Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Phi Hùng đánh giá những kết quả việc triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2025 gắn với việc thực hiện một số dự án lớn về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; phát triển kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, nhiều mục tiêu đề ra đã đạt được những bước tiến quan trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được cải thiện, tổ chức sản xuất đã có những bước tiến quan trọng, thu nhập của người dân được nâng lên, từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hướng đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền núi, kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi đúng đắn cho miền núi trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn về kết cấu hạ tầng, giảm nghèo thiếu bền vững; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu số hộ dân cần sắp xếp ổn định chỗ ở còn cao…

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư nêu những nội dung cơ bản của dự thảo Đề án phát triển kinh tế xã hội - miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam; quan điểm và mục tiêu phát triểnvà nhu cầu đầu tư phát triển miền núi và giải pháp thực hiện.
Tại hội nghị đã có 06 ý kiến phát biểu trực tiếp và 15 văn bản gởi tham gia cho rằng cần xây dựng chính sách cho miền núi một cách phù hợp, với nguồn lực đầu tư đủ lớn, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là về giao thông, giáo dục, y tế, cụ thể:
Theo ý kiến của ông Nguyễn Bằng - Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang: Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội miền núi, ông khẳng định người có uy tín đóng vai trò rất lớn trong việc huy động người dân tham gia các hoạt động phát triển KT-XH, đảm bảo ANQP vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy cần quan tâm giải pháp để phát huy vai trò người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình triển khai Đề án bằng những giải pháp cụ thể: Trước tiên chúng ta xác định vai trò, vị trí của họ trong cộng đồng, tiếng nói của họ luôn có trọng lượng trong việc tuyên truyền, vận động. Vì vậy đề án cần có giải pháp nhằm tổ chức tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin chủ trương, chính sách, pháp luật; quan tâm chế độ, chính sách nhằm khích lệ, động viên người uy tín tâm huyết, trách nhiệm với công việc chung của thôn, bản. Đồng thời việc triển khai đề án phải đảm bảo tính thực tiễn; ai là người thực hiện đề án, đối tượng thụ hưởng là ai...Nguyên nhân chính dẫn đến đời sống người dân miền núi hiện nay vẫn còn khó khăn hiện nay là do sự cô lập, sống quá cách xa so với đời sống văn minh, trình độ dân trí thấp. Việc tập trung đầu tư nguồn kinh phí lớn nhưng trình độ dân trí vẫn còn thấp thì hiệu quả sẽ không cao. Cần đầu tư giao thông đem văn minh đến vùng miền núi và đầu tư giáo dục nâng cao dân trí cho người dân.

Ông Đặng Công Lệnh - Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh cho rằng phạm vị đề án quá rộng nhưng đối tượng thụ hưởng không rõ, không đề cập đến đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi cao. Vì việc phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng miền núi cao và miền núi trung du sẽ khác nên việc áp dụng đề án chung toàn bộ miền núi trên địa bàn tỉnh sẽ gây ra những bất cập trong quá trình thực hiện. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xem xét một cách toàn diện toàn diện hơn.
Ông Lê Muộn-Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: Đề án có phân tích những ưu thế, thời cơ thách thức thực hiện nhưng còn dàn trãi, bao quát quá nhiều vấn đề; cần lựa chọn các nội dung chính để để làm cơ sở cơ cho đề xuất nội dung, giải pháp. Phát triển bền vững miền núi Quảng Nam không chỉ là yêu cầu cho miền núi mà còn ảnh hưởng đến cả tỉnh và đã đưa vào quan điểm dự án, cần được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu, nội dung, giải pháp cho phát triển khu vực này.
Ông Hồ Thanh Tân- Thành viên Hội đồng tư vấn Dân tộc-Tôn giáo: cần làm rõ, đánh giá sâu sát, đúng thực chất hơn về việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án. Thực trạng đời sống của người dân miền núi còn nghèo, chất lượng sống còn thấp, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế, các thiết bị văn hóa còn nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân chủ quan cần khắc phục cụ thể: một số chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi chưa thật sự đồng bộ, nguồn ít lại chắp vá, thời gian ngắn; bên cạnh đó cơ chế thực thi chính sách chưa được đổi mới cho phù hợp, chưa mang tính đột phá; mặt khác, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật sự chặt chẽ và có hiệu quả; nhận thức của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự vì người dân, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến một số chương trình, chính sách chậm trễ, không đến người dân, không hiệu quả; đối với người dân thì còn bộ phận thụ động, không có tinh thần trách nhiệm vươn lên, thậm chí có tư tưởng không muốn thoát nghèo.Về tổ chức thực hiện một số chương trình, chính sách người dân chưa được biết để bàn, để tham gia, dẫn đến hiệu quả thấp.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốcSở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh đại diện cơ quan soạn thảo phát biểu tiếp thu các ý kiến tham gia và sẽ nghiên cứu, giải trình trước kỳ họp HĐND tỉnh về nội dung báo cáo tổng hợp góp ý dự thảo Đề án do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyển đến.