Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam gồm các ông (bà): Ông Tạ Văn Hạ- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; ông Vương Quốc Thắng - Uỷ viên Chuyên trách, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Lê Văn Dũng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Quảng Nam; ông Phan Thái Bình - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Dương Văn Phước - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Quảng Nam, bà Đặng Thị Bảo Trinh -UVBTV Tỉnh đoàn, Thị ủy viên, Bí thư Thị đoàn Điện Bàn.
Phát biểu khai mạc tại các hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng đề nghị quý vị đại biểu và quý vị cử tri chú ý lắng nghe, chuẩn bị nội dung trao đổi thật trọng tâm, ngắn gọn, tích cực tham gia phát biểu ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến nội dung, chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 2.
Tại các buổi tiếp xúc, ĐBQH Dương Văn Phước báo cáo với cử tri toàn tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021; đồng thời thông tin các ý kiến trả lời của các Bộ, Ngành Trung ương về một số nội dung cử tri Quảng Nam đã kiến nghị tại kỳ họp lần thứ nhất; dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV và một số vấn đề Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định tại kỳ họp.
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cử tri đã phát biểu, kiến nghị tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh các vấn đề cụ thể như sau:
Tại đơn vị bầu cử số 01 cử tri thị xã Điện Bàn và các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Đại Lộc đã ghi nhận được 05 ý kiến đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ vắcxin Covid-19 cho tỉnh Quảng Nam để người dân được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là các địa phương dân số đông; tập tung nhiều khu công nghiệp và giáp ranh với thành phố Đà Nẵng; trên địa bàn thị xã Điện Bàn còn nhiều dự án quy hoạch treo kéo dài nhiều năm gây khó khăn lớn đến đời sống của người dân; đề nghị Chính Phủ có chủ trương khớp nối 02 tuyến đường bê tông của xã Za Hung với tuyến đường Hồ Chí Minh; đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 14D, 14E; nhà tránh bão…; cần quan tâm đến chính sách tiền lương đối với cán bộ hoạt động bán chuyên trách theo Nghị định 34 của Chính phủ; miễn giảm thuế, lãi vay cho đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...Thay mặt lãnh đạo tỉnh dự hội nghị, ông Hồ Quang Bửu - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan đã tiếp thu ý kiến cử tri và trao đổi một số nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền.
Tại đơn vị bầu cửsố 2, cử tri thành phố Hội An và các huyệnThăng Bình, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn đã ghi nhận 23 lượt phát biểu với 90 vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: đền bù, bố trí đất tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, nước sinh hoạt)…thuộc dự án của Khu nghĩ dưỡng Nam Hội An; dự án Du Lịch - do Công ty TNHH Hưng Thịnh làm chủ đầu tư công bố quy hoạch 2017 nhưng gần 04 năm chưa thực hiện; đầu tư chỉnh trang Quốc lộ 1A đi qua huyện Quế Sơn, Duy Xuyên và Thăng Bình nhiều đoạn không có cống thoát nước hai bên hoặc quá nhỏ nên vào mùa mưa nước tràn vào nhà dân, gây ảnh hướng lớn đến đời sống của người dân; 18 hộ dân thuộc dự án đường Võ Chí Công đến nay vẫn chưa được bố trí xem xét tái định cư; quan tâm hỗ trợ nâng cấp Kè Hồ Sen ở huyện Nông Sơn bị xuống cấp nặng. Về lĩnh vực chính sách: nâng mức hỗ trợ đối với đối tượng tham gia cách mạng và có công bị tù đày, mức hỗ trợ hiện nay thấp hơn mức chuẩn nghèo; chế độ mai táng phí đối với các người có công cách mạng thấp hơn mức chế độ của đối tượng BTXH; hỗ trợ tiền hương khói, quà ngày 27/7, Tết cho đối tượng thương binh sau khi từ trần; quan tâm hỗ trợ chế độ BHYT cho bộ đội phục viên xuất ngũ (1975-1980); quan tâm hỗ trợ quà dịp 27/7 và Tết Nguyên đán đối với người có công giúp đỡ cách mạng; xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế và trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng thanh niên xung phong; đề xuất hỗ trợ tiền duy tu, sửa chữa mộ liệt sĩ ngoài nghĩa trang; nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà cho đối tượng có công; xem xét điều chỉnh bất cập khi mua BHYT bắt buộc đối với học sinh cao hơn mức mua theo hộ gia đình đối với hộ gia đình có từ 04-05 người con đều là học sinh. Một số nội dung khác: sớm cho người dân được tiêm vacxin Covid-19; chính sách An toàn khu (Khu ủy Khu 5) xã Sông Trà đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm; nhà máy chế biến cao su trên địa bàn Hiệp Đức gây ô nhiễm môi trường; tranh chấp địa giới giữa xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình với xã Quế Thọ huyện Quế Sơn…Thay mặt lãnh đạo tỉnh dự hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quang - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan đã tiếp thu ý kiến cử tri và trao đổi một số nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền.
Tại đơn vị bầu cử số 3, cử tri thành phố Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My ghi nhận 15 lượt ý kiến: mức giá đền bù đất trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp quá thấp; dự án chỉnh trang Quốc Lộ 1A không có mương thoát nước gây ngập úng hai bên nhà dân của huyện Núi Thành; việc duy tu bảo trì tuyến Quốc lộ 1 chưa được quan tâm; xử lý dứt điểm những tồn tại tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; tuyến đường ĐT 16 từ huyện Phú Ninh đến Tiên Phước vào mùa thu hoạch người dân phơi nông sản lấn chiếm lòng đường gây ra nhiều tai nạn thương tâm nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý; quan tâm đầu tư kè Cửa Lở xã Đảo Tam Hải bị xói mòn nghiêm trọng; tranh chấp địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) với xã Đắc Nên (Kon Plong, Kon Tum), thôn 3 Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) với xã Sơn Bua (Tây Sơn, Quảng Ngãi) đã ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế- xã hội, an ninh trật tự; mua sắm trang thiết bị tập trung vào một đầu mối rồi chuyển giao về cho địa phương còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp khi sử dụng; nâng mức lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1993; khảo sát, xét nghiệm lại các đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học; quan tâm hỗ trợ mức trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng có công cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương…; nhân dân trụ bám ở vùng Sơn, Cẩm, Hà huyện Tiên Phước, nhiều người tham gia du kích chưa được hưởng chế độ người có công…Việc cải cách giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho việc học tập của các em học sinh, sinh viên. Đề nghị xử lý nghiêm những đối tượng đi từ vùng dịch về địa phương khai báo không trung thực, trốn tránh khu cách ly, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Chỉ thị 15; tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn. Ngoài ra, một số nội dung về việc hỗ trợ kinh phí cho Tổ trưởng Tổ đoàn kết cần có văn bản quy định thống nhất; kiến nghị Ngân hàng giảm lãi suất vay cho người dân, miễn giảm tiền điện do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; việc quản lý sử dụng điện công cộng...cũng được cử tri quan tâm kiến nghị.Thay mặt lãnh đạo tỉnh dự hội nghị ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan đã tiếp thu ý kiến cử tri và trao đổi một số nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền.

Ông Lê Văn Dũng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Quảng Nam ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri tỉnh Quảng Nam; tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của cử tri; đồng thời giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Những ý kiến, đề xuất không thuộc thẩm quyền sẽ được các đại biểu tổng hợp để chuyển đến Quốc hội và cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, PCT Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh- Nguyễn Phi Hùng trân trọng cảm ơn nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc của cử tri; sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri dành cho các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn đại biểu Quôc hội tỉnh Quảng Nam sẽ tổng hợp, phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri phát biểu tại các hội nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và theo dõi, giám sát kết quả giải quyết để thông tin đến cử tri theo quy định.
Được biết, kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa XV dự kiến họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ ngày 20/10 đến ngày 3/11/2021; họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021. Đồng thời, dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả kỳ họp. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và 3 Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.Thảo luận, quyết định các nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và nhiều nội dung quan trọng khác.