Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng dân cư đối với hoạt động Bảo vệ môi trường

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 9:09 | 10/09/2021 Lượt xem: 8826

Hôm qua (9/9), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị trực tuyến với 18 huyện, thị, xã thành phố, các Sở, Ban, Ngành liên quan của tỉnh nhằm quán triệt Kết luận số 73-KL/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Điểm cầu của 18 huyện, thị xã, thành phố có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện cùng tham dự.


Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đã thông tin  những nội dung cơ bản của  Kết luận số 73-KL/TU, trong đó nhấn mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đáng quan tâm, đó là: 06/08 chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra; đa số các cụm công nghiệp chưa đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, nhất là việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công tác điều tra, khảo sát, xây dựng cơ chế bảo vệ môi trường tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm chưa được triển khai thực hiện. Công tác phân loại, xử lý chất thải rắn chưa đạt hiệu quả; tiến độ quy hoạch và xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung còn chậm....Để khắc phục những hạn chế này, tại Dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kết luận số 73-KL/TU, UBND tỉnh xác định công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ chính trị trọng tâm phải thường xuyên được quan tâm và triển khai thực hiện; các Sở, Ban, ngành và các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản.
Dịp này, hội nghị cũng đánh giá kết quả hơn 8 năm thực hiện đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác quản lý chất thải rắn nông thôn; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 176/193 xã tiếp tục duy trì phương án quản lý chất thải rắn trên địa bàn, đạt trên 91%; trong đó có 152 xã đã triển khai thu gom chất thải rắn trên toàn địa bàn, đạt 85%. Tần suất thu gom rác thải tại mỗi xã từ 01 đến 03 lần/tuần tùy vào khu vực và điều kiện thu gom. Tổng phí vệ sinh thu từ nhân dân khoảng 143,35 tỷ đồng.

Các ý kiến tại hội nghị tập trung nêu lên một số bất cập trong thực hiện Đề án như: nhiều địa phương chưa cân đối được kinh phí hoạt động quản lý chất thải rắn nông thôn; tỷ lệ thu phí và tần suất thu gom rác thải nhiều địa phương còn thấp; năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu;  tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sảnvẫn còn xảy ra ở một số nơi....

Để thực hiện được mục tiêu đến hết năm 2022, mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí ít nhất 01 khu xử lý chất thải rắn tập trung , ông Trần Văn Tân  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương xem đây là mệnh lệnh chính trị cần tập trung phối hợp, quản lý thực hiện theo phương chấm “04 tại chỗ” trong xử lý rác thải, chất thải rắn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư đối với hoạt động Bảo vệ môi trường; Mặt trận các cấp tăng cường tổ chức đối thoại và đánh giá chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống...

Tác giả: Như Thủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết