* Giám sát các biện pháp hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ
Từ ngày 19/5 - 03/6, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện do Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Trần Công Thành làm Trưởng đoàn đã triển khai giám sát quá trình rà soát, lập và phê duyệt danh sách thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ đối với UBND huyện và UBND 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Đồng thời đoàn tiến hành kiểm tra khảo sát thực tế một số đối tượng được hỗ trợ chính sách tại các xã, thị trấn.
Ông Trần Công Thành- Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng đoàn chủ trì làm việc
Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe UBND huyện báo cáo một số kết quả triển khai các quy trình rà soát hỗ trợ; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; niêm yết công khai, đầy đủ danh mục và nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính ban hành kèm theo các quyết định để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến ngày 18/5/2020, trên địa bàn huyện đã cơ bản triển khai rà soát và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng: người có công với cách mạng và thân nhân; đối tượng bảo trợ xã hội; đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với các nhóm đối tượng còn lại đang được UBND cấp xã tổng hợp, thống kê, lập danh sách, tổ chức xét duyệt, trình cấp có thẩm quyền thẩm định để UBND huyện phê duyệt và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cấp xã tiến hành tổ chức giám sát theo quy định. Đến nay có 12/14 xã, thị trấn lập kế hoạch, tổ chức giám sát việc hỗ trợ đối với các đối tượng người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.
Kết luận các buổi giám sát, đồng chí Trần Công Thành - Trưởng đoàn giám sát biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Duy Xuyên trong việc thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid -19 thời gian qua; ghi nhận những kiến nghị của địa phương để tổng hợp đề nghị xem xét, giải quyết. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong các tầng lớp nhân dân để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết số 42/NQ-CP. Đồng thời đề nghị UBND huyện cần chủ động chỉ đạo các phòng ban chuyên môn bám sát những quy định, hướng dẫn trong việc lựa chọn, bình xét lập danh sách đối tượng thụ hưởng đúng quy định, tránh để sai sót và lợi dụng chính sách để trục lợi. Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở tiếp tục phát huy vai trò giám sát để người dân nhận được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
* Giám sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án hình sự
Từ ngày 20/5 - 28/5/2020, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Viện kiểm soát nhân dân huyện tổ chức kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại 08 xã, thị trấn và công tác tạm giữ, tạm giam tại Công an huyện năm 2020. Thời điểm kiểm tra từ ngày 01/5/2019 đến ngày 30/4/2020.
Kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án hình sự
Tại các đơn vị được kiểm sát, Đoàn đã tiến hành kiểm tra trực tiếp hồ sơ, tài liệu và sổ sách ghi chép. Qua kiểm tra hầu hết các xã,thị trấn cơ bản làm tốt công tác quản lý hồ sơ, mở sổ sách cập nhật thụ lý đúng theo quy định, ghi chép rõ ràng theo các mục. UBND các xã, thị trấn đã kịp thời phân công người giám sát, giáo dục bị kết án cải tạo không giam giữ. Hằng quý, các đối tượng chấp hành án đến UBND xã làm bản tự nhận xét quá trình chấp hành án. Việc thực hiện việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, việc tạm đình chỉ, hoãn thi hành án; Công tác quản lý, giáo dục, thực hiện các chế độ đối với người chấp hành án phạt tù của Công an huyện… tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại, thiếu sót như: Thời điểm kể từ khi bản án có hiệu lực đến thời điểm cơ quan THAHS bàn giao hồ sơ thi hành án, bị án viết bản tự kiểm điểm có nhận xét đánh giá của Trưởng thôn nơi cư trú, sau thời điểm có Quyết định phân công người giám sát, giáo dục thì người giám sát giáo dục mới nhận xét và có sự đánh giá nhận xét chung của Ban công an và Chủ tịch UBND xã. Do đó việc người giám sát giáo dục nhận xét trước thời điểm chưa có quyết định phân công của Chủ tịch UBND xã là chưa đúng. Trường hợp một số bản nhận xét đánh giá quá trình chấp hành án không có ý kiến nhận xét bị án của người trực tiếp giám sát, giáo dục; phần nhận xét đánh giá quá trình chấp hành án tại địa phương không đảm bảo, một số bản nhận xét chỉ có phần tự nhận xét của bị án, không có phần nhận xét của Công an xã và Chủ tịch UBND xã.
* Giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2017-2020
Từ ngày 15/5-29/5/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Phòng y tế huyện Duy Xuyên tổ chức giám sát về đảm bảo an toàn thực phẩm trên tại 14 xã, thị trấn và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Khảo sát trực tiếp tại cơ sở kinh doanh
Đoàn giám sát đã đánh giá hoạt động quản lý ATVSTP của Ban chỉ đạo 14 xã, thị trấn, thực hiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm. Qua đợt giám sát, các Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm của xã,thị trấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ban hành các kế hoạch, quyết định triển khai, thời gian thực hiện từ 15/4 đến 15/5/2020; đồng thời làm tốt công tác treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn và tuyên truyền trực tiếp đến người dân, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm các quy định về VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm của ở một số xã,thị trấn chưa triển khai thực hiện “Tháng hành động An toàn thực phẩm năm 2020”; công tác tuyên truyền ATTP chưa được thường xuyên; một số cơ sở kinh doanh chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Sau đợt giám sát, Đoàn giám sát đã hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh thực hiện đảm bảo các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất kiến nghị các ngành liên quan chấn chỉnh việc quản lý về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.