Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 16:34 | 18/06/2019 Lượt xem: 13556

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và ghi nhận các phản ánh, kiến nghị về những vấn đề bức xúc, nổi cộm của bà con cử tri.

* Chiều 17.6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm: Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri huyện Phú Ninh.

Cử tri huyện Phú Ninh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: V.ANH
Cử tri huyện Phú Ninh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: V.ANH

Ghi nhận tại buổi tiếp xúc, ban tổ chức nhận được 16 lượt ý kiến phát biểu của cử tri. Các ý kiến đề cập chủ yếu đến những vướng mắc trong giải quyết chế độ chính sách, nhất là chính sách cho người có công cách mạng trên địa bàn huyện. Cử tri Nguyễn Văn Dũng (xã Tam Thái) bức xúc nêu ý kiến về việc các ngành chức năng chậm trễ, thiếu quan tâm trong việc làm thủ tục công nhận lại danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ anh. Một cử tri khác phản ánh về việc cán bộ địa phương thực hiện chính sách thân nhân liệt sĩ chưa thấu tình đạt lý.

Nhiều ý kiến cử tri khác quan tâm đến các vấn đề nổi cộm, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm thời gian qua như công tác phòng chống tham nhũng, tăng giá điện, mở rộng quốc lộ 1… Cử tri Võ Ngọc Duy (xã Tam Đàn) cho biết, những năm qua, kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh có nhiều bước phát triển; tuy nhiên đi kèm với đó lại nổi lên các vụ việc tham nhũng lớn, nhiều vụ lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng buôn bán ma túy, nạn phá rừng… tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương chưa mang lại nhiều kết quả về chiều sâu; đường giao thông, đời sống nhân dân… ở nông thôn còn nhiều vấn đề cần xem lại.

Cử tri huyện Phú Ninh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: V.ANH
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: V.ANH

Tại buổi tiếp xúc, cán bộ ngành LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh đã trả lời cử tri từng trường cụ thể về chế độ chính sách cho người có công. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị huyện Phú Ninh cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đến gia đình và người có công cách mạng; kịp thời giải quyết, trả lời các vấn đề tồn đọng, bức xúc mà cử tri kiến nghị. Những vấn đề nào vướng mắc không giải quyết được thì báo cáo về Đoàn ĐBQH tỉnh để kiến nghị các bộ, ngành trung ương giải quyết, trả lời sớm cho cử tri.

Đồng chí Phan Việt Cường cũng lần lượt trả lời, giải đáp từng nhóm vấn đề mà cử tri huyện Phú Ninh quan tâm. Trong đó đề nghị cán bộ, nhân dân Phú Ninh tiếp tục chung tay, đồng lòng thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới; không chạy theo thành tích nông thôn mới mà có những cách làm mang tính hình thức, không hiệu quả, không mang lại lợi ích cho nhân dân. Đồng thời tích cực chung tay phòng chống tội phạm, đấu tranh với các tệ nạn ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi

                                                                                                                                                                               A.ĐÔNG

* Sáng 17.6, tại xã Tam Thăng, trong buổi tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm: Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri TP.Tam Kỳ nêu nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đời sống người dân.

Cử tri TP.Tam Kỳ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Cử tri TP.Tam Kỳ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Có đất nhưng không thể làm nhà

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Hiệp, cử tri xã Tam Thăng phản ánh thực trạng người dân có đất nhưng không có nhà để ở vì chủ trương tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đất sử dụng đất theo tinh thần Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 của UBND tỉnh. Ông Hiệp nói: “Gia đình tôi hiện có hơn 1.000m2 đất nhưng chỉ có 200m2 đất ở. Trong khi nhà 4 - 5 anh chị em đều đã lập gia đình, có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thì không được. Tôi kiến nghị thành phố thành lập đoàn kiểm tra, một phần để xử lý nạn “cò đất”, “cò sổ đỏ”, mặt khác cần rà soát, xem xét cho các gia đình có nhu cầu thực sự về xây dựng nhà ở thì tạo điều kiện cho họ được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất”.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cử tri phường An Phú nêu tình trạng quy hoạch “treo” tại các dự án trên địa bàn phường, có những dự án quy hoạch 10 năm vẫn chưa triển khai, hay trên cùng một địa bàn có đến 3 công trình quy hoạch, nhất là dự án Làng Hoa Sen, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều gia đình có con cái lớn, lập gia đình, muốn tách hộ, tách thửa để làm cho con cái nhà ở riêng cũng không được. “Thành phố cần rà soát, làm việc với chủ đầu tư để xem tính khả thi của từng dự án. Nếu dự án nào chưa có khả năng triển khai, nên tạo điều kiện cho dân được xây dựng nhà” - ông Tuấn nói. Cùng phường An Phú, cử tri Trương Việt Hùng đề cập về “đất thổ cư”. Ông cho biết, khi gia đình ông làm thủ tục cấp đổi “sổ đỏ” sang “sổ hồng”, vốn dĩ gia đình có 1.000m2 đất ghi trong “sổ đỏ” là đất thổ cư, nay chuyển sang “sổ hồng” thì cơ quan thẩm quyền chỉ ghi cho ông có 200m2đất ở và 800m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm. Như vậy có đúng với quy định không hay có sự sai sót, nhầm lẫn nào trong cách giải quyết đất đai cho người dân.

Mong người dân chia sẻ

Liên quan đến vấn đề quy hoạch các dự án, ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố rất áp lực trong tình trạng xây dựng cơi nới nhà cửa, công trình tại khu quy hoạch dự án. Thành phố nhận khuyết điểm trong một số quy hoạch triển khai chậm ảnh hưởng đến đời sống người dân và đã cho rà soát cụ thể các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, đối với các dự án lâu dài chưa triển khai thực hiện trong một vài năm đến thì UBND thành phố có chủ trương giao cho các địa phương phối hợp với Phòng Quản lý đô thị rà soát từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào nhu cầu của từng hộ dân để giải quyết cấp phép xây dựng nhà ở. Còn những quy hoạch mà thành phố đang triển khai thực hiện, chắc chắn phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Về dự án Làng Hoa Sen, ông Quang cho biết thành phố sẽ làm việc làm chủ đầu tư để xem xét thời gian sớm triển khai xây dựng giai đoạn 2 (khu vực nhà dưỡng lão). Nếu chủ đầu tư chậm thì thành phố đứng ra giải tỏa trước, trường hợp sau này chủ đầu tư Làng Hoa Sen không đầu tư thì thành phố kêu gọi đơn vị nào đó vào đầu tư thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cử tri liên quan đến Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 của UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, lãnh đạo tỉnh thấu hiểu tâm tư của bà con về việc tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại vùng đông nam. Chỉ thị 06 được ban hành cũng nhằm chấn chỉnh tình trạng phân lô, tách thửa, mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra lộn xộn ở vùng đông nam, nhất là ở các địa phương Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình), Tam Thăng (Tam Kỳ). Tỉnh đang xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân khu quy hoạch vào vùng đông nam. Sau khi hoàn thành quy hoạch phân khu chi tiết, người dân sẽ biết được chỗ nào quy hoạch dân cư, chỗ nào quy hoạch du lịch, công nghiệp... Lúc đó, bà con nhân dân mới có thể tách thửa hay thực hiện các vấn đề trên phần đất đai của mình.
                                                                                                                                                     VINH ANH

 

* Sáng 17.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5; ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri 5 xã vùng cao huyện Nam Trà My để thông tin kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và ghi nhận các phản ánh, kiến nghị về những vấn đề bức xúc, nổi cộm của bà con cử tri địa phương.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Đình Tiến và Nguyễn Quang Dũng tiếp xúc cử tri Nam Trà My sáng 17.6. Ảnh: N.Đ
ĐBQH Nguyễn Đình Tiến và Nguyễn Quang Dũng tiếp xúc cử tri Nam Trà My sáng 17.6. Ảnh: N.Đ

Thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, phát luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể thao và du lịch...

Đáng chú ý, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Bà con cử tri 5 xã vùng cao huyện Nam Trà My đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời kiến nghị đến các ĐBQH những vấn đề bức xúc đang đặt ra tại địa phương, được bà con cử tri quan tâm liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, chính sách  và công tác cán bộ.

Trong đó, hầu hết ý kiến cử tri kiến nghị Trung ương, tỉnh xem xét, có hướng hỗ trợ nguồn vật liệu thay thế vật liệu gỗ cho bà con làm nhà; cũng như tạo điều kiện thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về thực hiện sắp xếp, bố trí lại dân cư miền núi của tỉnh.

Cử tri Nam Trà My kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội tỉnh sáng 17.6. Ảnh: N.Đ
Cử tri Nam Trà My kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: N.Đ

Cử tri Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho rằng, chủ trương sắp xếp, xây dựng lại các khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Trà My là rất đúng đắn, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Việc thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND về sắp xếp, bố trí dân cư đã mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc do không tìm được nguồn vật liệu thay thế vật liệu gỗ để người dân làm lại nhà ở nơi mới.

Ông Tuấn nói: “Với một địa phương miền núi cao, nếu không sử dụng vật liệu gỗ để làm nhà thì bà con không biết sử dụng vật liệu nào để thay thế. Còn thực hiện xây dựng nhà bằng các vật liệu gạch, cát, xi măng như miền xuôi vừa không phù hợp với phong tục tập quán, vừa đắt đỏ, nguồn vốn hỗ trợ theo nghị quyết sẽ không đủ để thực hiện. Ngành chức năng các cấp cần nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ người dân những vật liệu thay thế gỗ để làm nhà, đáp ứng yêu cầu căn nhà làm mới phải sử dụng ổn định lâu dài 10 - 15 năm”.

Cho rằng chủ trương đóng cửa rừng là đúng, hạn chế việc chặt phá rừng, cử tri Võ Đăng Chín (xã Trà Don) cũng chia sẻ, nhiều nhà cửa xuống cấp, cần làm lại nhưng bà con đang gặp khó khăn bởi không có gỗ. “Nên thay thế vật liệu gỗ bằng vật liệu sắt thép làm theo mô hình lắp ghép để phù hợp hơn với điều kiện hiện nay. Chứ sử dụng nguồn nguyên liệu gạch, cát, xi măng như dưới xuôi thì đường sá vận chuyển khó, lên đến trên này sẽ đắt đỏ”.

Từ thực tiễn cơ sở, nhiều ý kiến cũng kiến nghị Trung ương, tỉnh xem xét, thực hiện bố trí nguồn vốn giảm nghèo bền vững theo hướng phân kỳ trung hạn để dễ thực hiện. Hiện nguồn vốn phân bổ hàng năm về đến cơ sở thì đã vào mùa mưa, nên hiệu quả đầu tư không cao. Có chính sách tiền lương đối với giáo viên miền núi nhằm thu hút được những giáo viên giỏi gắn bó lâu dài với với sự nghiệp trồng người ở vùng cao...

                                                                                                                                        NGUYÊN ĐOAN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết