Các đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp
Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa HĐND tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, tại kỳ họp thứ 9,Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo kết quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền. Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương tích cực tham gia góp ý xây dựng 314 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền các cấp. Hầu hết ý kiến tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; phối hợp tổ chức hơn 1.400 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật mới, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Đ/c Nguyễn Phi Hùng- PCT Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
báo cáo tại kỳ họp
Thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch chủ trì tổ chức 09 cuộc giám sát chuyên đề về: công tác quản lý, bảo vệ rừng; việc thực hiện quy định về công khai kết luận thanh tra; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người uy tín và chính sách đào tạo nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình sử dụng đất đai của cơ sở thờ tự các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; quá trình quản lý sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Đông Nhựt; kết quả chọn mẫu điều tra xã hội học về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2018; việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của nhà nước về xây dựng nông thôn mới; việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa -Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tổ chức 02 Đoàn khảo sát về việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành 07 văn bản kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, đến nay một số kiến nghị sau giám sát đã được UBND tỉnh và các cơ quan tiếp thu, trả lời. Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì triển khai thực hiện 371 cuộc giám sát về các nội dung liên quan đến thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện dân chủ ở cơ sở; chính sách giảm nghèo bền vững; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân… tại địa phương. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương phát hiện 150 vấn đề hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời kiến nghị 368 nội dung với HĐND, UBND các cấp và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý.
Về hoạt động phản biện xã hội, năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức phản biện đối với 02 dự thảo văn bản của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh gồm: Đề án sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020 và dự thảo Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025”.Tất cả ý kiến góp ý tại hội nghị được tập hợp, tổng hợp đầy đủ gửi cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp thu, hoàn chỉnh theo quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã tổ chức được 110 hội nghị phản biện xã hội và trực tiếp góp ý 191 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau hội nghị phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có văn bản tổng hợp đầy đủ ý kiến phản biện đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh hoặc giải trình tại kỳ họp HĐND cùng cấp.
Về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã chủ trì tổ chức 342 “diễn đàn nhân dân” góp ý đội ngũ cán bộ, công chức ngành công an; tài nguyên môi trường, địa chính, tư pháp, đội ngũ viên chức nhà giáo, y tế..., tổ chức 273 “hội nghị đối thoại trực tiếp”giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp với Nhân dân địa phương về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, tài nguyên môi trường, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai các công trình, dự án lớn tại địa phương;đối thoại với người nghèo, giải quyết chế độ chính sách,nhà ở cho người có công với cách mạng, về tình hình an ninh trật tự tại địa phương...
Qua các diễn đàn, đối thoại các ý kiến góp ý của Nhân dân thể hiện tinh thần xây dựng cao, khách quan, trung thực liên quan đến những vấn đề về phẩm chất, đạo đức lối sống, tư cách, tác phong, thái độ ứng xử khi tiếp xúc, giải quyết công việc của Nhân dân góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, công an nhân dân cấp huyện, xã và chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh một số nội dung:
1. Năm 2018, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện Chương trình phối hợp về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên,trong quá trìnhtriển khai thực hiện, Sở Nội vụ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh nên kết quả còn nhiều bất cập, thiếu sót chưa đảm bảotheo quy định của Trung ương.Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tích cực phối hợp và nghiêm túc xử lý những thiếu sót, hạn chế trong quá trình thực hiện để kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất…
2. Ngày 17/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét, tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”(có hiệu lực từ ngày 05/11/2018) quy định:“Trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí, cách chấm điểm quy định tại Nghị định này, UBND cấp tỉnhxây dựng thang điểm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương” để triển khai thực hiện.Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành quy định trên để công tác bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp và thực chất.
3.Thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát và sau giám sát đã ban hành 07 văn bản kiến nghị về các nội dung liên quan; các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiến hành 08 đoàn giám sát đã ban hành 08 văn bản kiến nghị đối với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đề nghị giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Đến nay, UBND tỉnhđã ban hành 02 văn bản trả lời cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (còn 05 văn bản kiến nghị chưa có văn bản trả lời) và ban hành 01 văn bản trả lờiđối với các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh (còn lại 07 văn bản kiến nghị chưa được trả lời). Do đó, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh sau giám sát đảm bảo theo quy định của pháp luật.
4. Qua quá trình theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội và phản ảnh, kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Công ty TNHH Thái Việt Agri Group, Công ty cổ phần Bê tông Hòa Cầm Intimex, Trạm than Chu Lai và một số cơ sở sản xuất tái chế nhựa ở Núi Thành (xã Tam Hiệp, Tam Nghĩa), Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết./.