Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai từ năm 2016 trên cơ sở kế thừa, phát huy Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm xác định lại vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận tham gia vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Long- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh
phát biểu tại buổi toạ đàm
Trong 3 năm qua, Cuộc vận động đã từng bước triển khai những hoạt động, tổ chức giám sát và phản biện xã hội nhằm tập trung giải quyết những vấn đề về bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lao động; giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ với tên gọi và nội dung được đổi mới cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Buổi toạ đàm cụm đồng bằng tại thành phố Hội An

Buổi toạ đàm cụm miền núi tại huyện Tiên Phước
Tại Hội nghị tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, chia sẻ những kinh nghiệm của các địa phương nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận các cấp trong việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh"
Lòng dân đồng thuận là thước đo hiệu quả của các Cuộc vận động
Tại Hội nghị bà Lê Thị Minh- Trưởng ban công tác Mặt trận khối phố 4, thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn chia sẻ: Cán bộ cơ sở luôn gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, bởi đời sống, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều. Mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn triển khai tại địa phương có hiệu quả thì trước khi triển khai, cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải đi đến vận động từng hộ gia đình, thậm chí vận động từng đối tượng trong hộ gia đình để tìm đến sự thống nhất, đồng tình khi triển khai. Nhiều phong trào khi triển khai vẫn còn một số hộ vì ý do gì đó không đồng tình nhưng khi kết quả đã thể hiện và đã đem lại quyền lợi cho mọi người và chính bản thân họ thì họ sẵn sàng tự nguyện tham gia đóng góp. Lúc đó, người vui mừng nhất là cán bộ khu dân cư, vì đó là một thành công của phong trào khi nó phù hợp lòng dân.
Bà Lê Thị Minh- Trưởng ban công tác Mặt trận khối phố 4, thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn
chia sẻ tại Hội nghị
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Chương- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn khẳng định: Cuộc vận động thực sự đạt kết quả khi ở đó lòng dân đồng thuận, vấn đề đầu tiên vẫn phải thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Mọi chủ trương của địa phương về xây dựng NTM trước khi triển khai đều phải công khai dân chủ, tổ chức đối thoại lấy ý kiến nhân dân nếu tạo được sự đồng thuận cao thì việc triển khai thực hiện sẽ rất dễ dàng.
Ông Nguyễn Hoàng Chương- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn
phát biểu tại Hội nghị
Ý kiến của ông Ngô Văn Nguyện - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Kế Xuyên 1- xã Bình Trung, huyện Thăng Bình một lần nữa khẳng định: Chương trình xây dựng nông thôn mới là phù hợp với lòng dân, đem lại bề mặt cảnh quang tươi sáng cho làng quê, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhân dân luôn phấn khởi, tin tưởng. Tuy nhiên để duy trì phong trào, người cán bộ cơ sở phải hết sức nhiệt huyết, hòa đồng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, có phương pháp tuyên truyền phù hợp, tranh thủ ý kiến tộc họ, người uy tín để tập hợp sức mạnh toàn dân trên địa bàn góp phần duy trì các tiêu chí NTM một cách bền vững.
Ông Ngô Văn Nguyện - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Kế Xuyên 1- xã Bình Trung,
huyện Thăng Bình phát biểu tại Hội nghị
Tại tọa đàm nhiều ý kiến cũng đã chia sẻ những khó khăn ở cơ sở khi phối hợp với ngành Văn hóa trong việc đăng ký, bình xét, đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa hiện nay. Ông Tào Viết Hải- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong thời gian tới ngành Văn hoá sẽ cùng với Mặt trận tích cực phối hợp tuyên truyền; hướng dẫn triển khai các hoạt động; giám sát thực hiện các phong trào và tổ chức phản biện tìm ra những hướng đi, giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện phong trào văn hóa song hành với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Ông Tào Viết Hải- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phát biểu tại hội nghị
Phát huy vai trò của Tổ đoàn kết
Tổ đoàn kết là một cụm dân cư nhỏ của khu dân cư, lâu nay các hộ dân trong tổ đoàn kết luôn đoàn kết gắn bó tương thân, tương trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt từ khi Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hằng năm thì vai trò hoạt động của Tổ đoàn kết ngày càng được phát huy mạnh mẽ và thể hiện càng rõ nét tình đoàn kết bền chặt của các hộ dân trong tổ, và là nơi phát huy quyền làm chủ của người dân trong những việc góp ý xây dựng quy chế, quy ước tại địa bàn dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, bình xét đối tượng hộ nghèo, bình xét các danh hiệu thi đua và tham gia đóng góp ý kiến khi triển khai các phong trào tại địa phương, phát động các mô hình tự quản….
Bà Phạm Thị Nga- Trưởng ban công tác Mặt trận khối phố 8, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ chia sẻ: Với đặc thù của vùng đô thị, người dân sống khép kín, quan hệ trong phạm vi hẹp thì Tổ đoàn kết là địa bàn hoạt động phù hợp nhất khi phát động các mô hình tự quản. Hiện nay, trên địa bàn khối phố 8, phường An Mỹ nhiều mô hình Tổ tự quản, câu lạc bộ đã được hình thành và hoạt động hiệu quả trên tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân như: Câu lạc bộ cờ tướng, Câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, Tổ tự quản bảo vệ môi trường, Tổ tự quản tuyến đường văn minh…
Bà Phạm Thị Nga- Trưởng ban công tác Mặt trận khối phổ 8
phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ chia sẻ tại hội nghị
Ông Phạm Trí- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành cũng đã ghi nhận vai trò hoạt động của Tổ đoàn kết hiện nay là cầu nối giữa từng hộ dân với cấp uỷ và các chi hội đoàn thể, tìm ra tiếng nói chung trong thực hiện các phong trào ở cơ sở. Từ hiệu quả hoạt động, nên thực tế mọi phong trào của Mặt trận và các hội đoàn thể đều đổ về Tổ đoàn kết dẫn đến quá tải. Vì vậy, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành muốn nâng tầm về mặt tổ chức cho Tổ đoàn kết và đã xây dựng Đề án nhằm xác định vị trí, vai trò, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ đoàn kết trình HĐND huyện có cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ này.
Ông Phạm Trí- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành
phát biểu tại Hội nghị
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc qua 15 năm tổ chức, đến nay đã trở thành hoạt động văn hoá tinh thần không thể thiếu ở cộng đồng dân cư, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đem lại niềm phấn khởi trong nhân dân. Bà Phạm Thị Nga- Trưởng ban công tác Mặt trận khối phổ 8, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ chia sẻ: Bà cũng như nhiều ý kiến cho rằng trong Chương trình Ngày hội về phần lễ vẫn tổ chức toàn khu dân cư, nhưng bữa cơm đại đoàn kết thì nên tổ chức tại các tổ đoàn kết. Bởi vì bữa cơm được tổ chức trong phạm vi càng hẹp sẽ tạo không khí ấm áp, có điều kiện cho tất cả các thành viên mỗi hộ gia đình tham gia, tình đoàn kết gắn bó sẽ bền chặt hơn, từ đó lôi cuốn mọi người vào các phong trào của địa phương. Nếu tổ chức liên khu dân cư rộng lớn hơn thì sẽ hạn chế sự tham gia của các tầng lớp nhân dân (do nếp sống khép kín của người đô thị) từ đó sẽ mất ý nghĩa của Ngày hội.
Là địa phương vùng núi cao, bà Bríu Mỹ- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cũng thống nhất giữ nguyên phạm vi tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên từng địa bàn khu dân cư. Nếu liên thôn, liên xã địa bàn rộng, miền núi đi lại khó khăn, người dân sẽ không tham gia đông đủ trong Ngày hội.
Bà Bríu Mỹ- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang
phát biểu tại Hội nghị
Tại các buổi Toạ đàm đã nhận gần 30 ý kiến tham gia, góp ý của cán bộ Mặt trận từ huyện, xã đến khu dân cư góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra giúp Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác hướng dẫn, triển khai Cuộc vận động thời gian đến hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị, đây sẽ là kênh thông tin, phản hồi chất lượng nhất giúp cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh có định hướng xây dựng Kế hoạch triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới. Ông đề nghị: Hiện nay việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo phương thức mới là hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để thực hiện 5 nội dung đoàn kết, phân công giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội... đòi hỏi người cán bộ Mặt trận các cấp tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức thực hiện, kỹ năng phối hợp, kỹ năng huy động nguồn lực, nắm vững các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, cơ chế thực hiện phối hợp để triển khai Cuộc vận động theo hướng có chọn lọc, năng động, phù hợp với văn hoá từng vùng miền, điều kiện đời sống nhân dân tại địa phương, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới không quá sức dân, với phương pháp mềm mại tạo sự đồng thuận xã hội thì Cuộc vận động mới thành công và bền vững./.