Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phú Ninh: Toạ đàm nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 9:28 | 27/07/2018 Lượt xem: 9046

Sáng ngày 26/7/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức tọa đàm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quyết định 217-QĐ/TW , 218-QĐ/TW của Bộ chính trị. Tham dự có ông Nguyễn Phi Thạnh, Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch Ủy ban nhân huyện, Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

* Tìm ra nguyên nhân hạn chế
Sau khi có quyết định của Bộ chính trị và các văn bản hướng dẫn, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở và các tổ chức thành viên đã tổ chức trên 315 cuộc giám sát, 22 hội nghị phản biện vào các dự thảo Nghị quyết HĐND về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, tổ chức trên 30 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đảng, góp ý xây dựng chính quyền.Từ đó đã đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn giải quyết được nhiều vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực nhằm tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.


Toàn cảnh toạ đàm

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã cho thấy những hạn chế, khó khăn, đó là: (1) Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ phối hợp của chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại quyết định 217, 218 chưa thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả quyền làm chủ, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân. Công tác phối hợp xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện, đối thoại của người đứng đầu hằng năm của các cấp chính quyền chưa được quan tâm, thường bổ sung, điều chỉnh nội dung sau khi đã ban hành kế hoạch dẫn đến không đảm bảo thời gian nghiên cứu, khảo sát nên chất lượng góp ý, phản biện chưa cao. (2) Công tác giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi còn lúng túng, chưa lựa chọn nội dung phù hợp, nhiều sự việc tồn tại kéo dài nhiều năm ở cơ sở không tìm ra lý do và phương hướng giải quyết;  phản biện xã hội còn rất ít, một số nơi làm hình thức, thụ động, còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; kỷ năng, năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế. Phương pháp giám sát chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình kế hoạch định sẳn và dựa trên nội dung báo cáo; việc tiếp thu, xử lý các tồn tại sau giám sát, phản biện của chính quyền, của chủ thể giám sát với đối tượng giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện chưa được quan tâm đúng mức. (3) Hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Chính trị- Xã hội còn hạn chế. Việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền chưa cao. Chưa tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng lãnh đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp nảy sinh. (4) Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa được nhiều; công tác phối hợp đối thoại chưa chặt chẽ, nội dung đối thoại còn chung chung, chủ yếu là giải quyết khiếu nại, kiến nghị của cá nhân. (5) Quan hệ phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp trong việc triển khai và thực hiện các chương trình phối hợp còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Hoạt động giám sát của tổ chức chính trị-xã hội còn bị động, lúng túng, chưa có sự phối hợp hướng dẫn cụ thể  từ cấp trên. Một số đoàn thể chưa phân biệt rõ về giám sát theo tinh thần QĐ 217-QĐ/BCT với hoạt động giám sát thường xuyên của ngành và cho rằng công tác giám sát là của Mặt trận. (6) Hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ là hình thức giám sát quan trọng của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ chưa phát huy, hiệu quả thấp. Nguyên nhân chủ yếu là chuyên môn nghiệp vụ của thành viên của các Ban còn hạn chế, kinh phí hoạt động không đảm bảo, thiếu quy định của pháp luật về ràng buộc trách nhiệm từ chủ đầu tư, nhà thầu…

Tại buổi tọa đàm các đại biểu cũng đã được nghe một số địa phương làm tốt chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các nội dung theo Quyết định 217,218 và nhiều ý kiến của đại biểu đóng góp về giải pháp để góp phần thực hiện các nhiệm vụ trên tốt hơn trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Phi Hùng,Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
phát biểu tại buổi tọa đàm

* Chú trọng hiệu quả, không triển khai dàn đều
Phát biểu tại diễn đàn tọa đàm ông Nguyễn Phi Thạnh, Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch Ủy ban nhân huyện và ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao kết quả đã đạt được trong thời gian qua và đề nghị cấp ủy Đảng chính quyền tạo mọi điều kiện để Mặt trận thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên, căn cứ vào Nghị quyết, Chương trình trọng tâm hằng năm để cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Đảng vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Hướng hoạt động về cơ sở, khu dân cư, qua đó xây dựng mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự; lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện thường xuyên, đột xuất, định kỳ phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, đối thoại, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với điều kiện của từng địa phương để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất không triển khai dàn đều, chồng chéo, chạy theo chỉ tiêu, số lượng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp. Phát huy các hình thức giám sát nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Lê Phượng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết