Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phản biện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 10:13 | 03/07/2018 Lượt xem: 9213

Chiều ngày 02.7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020 (theo Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh). Ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các ông (bà) trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các đoàn thể chính trị-xã, Chủ nhiệm và các phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật và về Kinh tế - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.


Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam  tỉnh nhấn mạnh 04 vấn đề lớn cần tập trung trao đổi làm rõ: (1)Về tính khả thi và hiệu quả của Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND (NQ 125) cần đánh giá việc triển khai thực hiện và hiệu quả của 15 chợ được đầu tư hoạt động ra sao; (2) tại sao NQ 125 chỉ sửa đổi tập trung cho loại hình chợ, trong khi mục tiêu của Nghị quyết quy định rất cụ thể phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại (chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị) nên chăng Nghị quyết này chỉ điều chỉnh đối tượng áp dụng, theo đó đối với xây dựng chợ nông thôn, áp dụng mức hỗ trợ theo Nghị quyết 37/2016/NQ-HĐND (NQ 37); các đối tượng còn lại giữ nguyên mức hỗ trợ và khuyến khích đầu tư như NQ 125 vì cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện và đến năm 2020 vẫn chưa nêu được chỉ tiêu và danh mục các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần xây dựng ngoài chợ nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; (3) nguồn kinh phí UBND tỉnh cân đối ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và nhà đầu tư trong việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, căn cứ nào để đề xuất, thể hiện chưa rõ; giải pháp trong thời gian đến như thế nào; (4) căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để đề xuất nâng tỷ lệ hỗ trợ đầu tư đối với chủ đầu tư và nhà đầu tư như Điểm 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết: Đối với Chủ đầu tư: mức hỗ trợ 40% (cũ 20%) so với tổng mức đầu tư (riêng khu vực miền núi 50% (cũ 25%); đối với Nhà đầu tư: mức hỗ trợ 40% (cũ 20%) so với tổng mức đầu tư (riêng khu vực miền núi 50% (cũ 25%) phù hợp chưa? Nếu đề xuất mức hỗ trợ như trên sẽ dẫn đến sự bất hợp lý và không thống nhất trong hệ thống chính sách của HĐND tỉnh (NQ 37 về xây dựng các chợ nông thôn mới). Đồng thời đề nghị các đại biểu cần phản biện đề án này hết sức chính xác để góp phần cho cơ quan soạn thảo có những nội dung thực tế để xây dựng và thực hiện chính sách đạt được những kết quả tốt.


Quang cảnh hội nghị

Qua báo cáo của Sở Công thương Quảng Nam, công tác quản lý nhà nước đối với các chợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai thực hiện tốt; trong đó công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh buôn bán qua chợ trong các dịp lễ, tết được chú trọng và tăng cường; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự tại các chợ cơ bản được kiểm soát. Về nguồn vốn đầu tư hạ tầng tại các chợ trên địa bàn tỉnh, theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, có nhiều nguồn đầu tư hạ tầng cho các chợ, trong đó có nguồn chủ yếu từ NQ 125 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020.


Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Quảng Nam) trao đổi tại hội nghị

Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Quảng Nam) cho biết thực tế thời gian qua, mức vốn hỗ trợ của nguồn vốn từ NQ 125 chỉ đảm bảo từ 20-25% tổng mức vốn đầu tư, trong khi hầu hết các chủ đầu tư là UBND cấp xã, cấp huyện thường khó khăn trong việc huy động vốn. Điển hình như chợ huyện Bắc Trà My có số vốn đầu tư là 39 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ hỗ trợ được 2 tỷ đồng. Hoặc như các chợ Nam Giang (huyện Nam Giang), chợ Tiên Phong (huyện Tiên Phước)… do không đủ nguồn đối ứng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung. Do đó, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các chợ, các huyện hiện phải lồng ghép các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo tỷ lệ đối ứng 75-80% tổng mức đầu tư. Đây là một trong những khó khăn của các địa phương, nhất là các huyện miền núi trong tỉnh bởi các huyện này điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế.


Ông Phan Khắc Chưỡng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi tại hội nghị

Ông Phan Khắc Chưỡng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh cần tổ chức đoàn khảo sát tại các địa phương được đầu tư xây dựng chợ để đánh giá kết quả đạt được của Nghị quyết 125 và những bất cập cần sửa đổi bổ sung NQ 125;  báo cáo đánh giá NQ 125 của Sở Công thương chưa toàn diện; hiện nay chưa nắm được bao nhiêu chợ xây xong hiện nay người dân không vào trong chợ; vì sao nhà đầu tư ít tham gia đầu tư lĩnh vực này, cần đánh giá phân tích cụ thể; trong quá trình thực NQ 125 sao không lồng ghép Nghị quyết 37/2016/NQ-HĐND về quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp cho các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó có nội dung hỗ trợ xây dựng chợ. Bên cạnh đó cần chú ý thể thức khi ban hành Nghị quyết, một số căn cứ trong Nghị quyết chưa đảm bảo, cụ thể: căn cứ Luật Thương mại không có điều nào điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; việc thay đổi cụm từ “Nhà đầu tư” và “Chủ đầu tư” chỉ quy định tại Luật đầu tư và Luật đầu tư công, do đó cần nghiên cứu khi thực hiện.


Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế- Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi tại hội nghị

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế- Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị cần điều chỉnh một số nội dung sau: Trong báo cáo của Sở Công thương chưa tổng hợp đánh giá về sự hài lòng hưởng ứng tham gia đăng ký đầu tư kinh doanh của các hộ tiểu thương, của các doanh nghiệp; Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao quản lý dự án đầu tư công (UBND cấp huyện, cấp xã) và nhà đầu tư, tuy nhiên theo Luật chính quyền địa phương, không có điều nào quy định quản lý đầu tư công đối với cấp huyện và xã;  cần nâng mức hỗ trợ đầu tư đối với chủ đầu tư là các huyện, xã từ 20% (theo NQ 125) lên 40% so với tổng mức đầu tư, riêng khu vực miền núi từ 25% lên 50% (NQ 125) không quá 4 tỷ đồng đối với chợ hạng 1; 3 tỷ đồng đối với chợ hạng 2 và 2 tỷ đồng đối với chợ hạng 3. Trong khi đó, mức hỗ trợ đối với nhà đầu tư với mức hỗ trợ từ 20% (theo NQ 125) lên 40% so với tổng mức đầu tư, riêng khu vực miền núi từ 25% lên 50% (theo NQ 125) không quá 3,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 1 và 2,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 2; 1,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 3.


Ông Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh trao đổi tại hội nghị

Ông Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh trao đổi đề nghị Sở Công thương cần đánh giá lại việc thực hiện NQ 125, nêu lên những mặc được và chưa được; về sự đan xem giữa 02 NQ 125 và NQ 37 có tính bổ trợ, lồng ghép với nhau, 02 Nghị quyết thuộc 02 nguồn khác nhau, tuy nhiên hầu hết địa phương đều dành nguồn kinh phí theo NQ 37 hỗ trợ cho các mục tiêu khác, còn về hỗ trợ xây dựng chợ thì thực hiện theo NQ 125, nên việc triển khai song song hai Nghị quyết này chứ không phải NQ 125 chỉ phục vụ cho chợ nông thôn mới.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Sở Công thương cần đánh giá một các cụ thể NQ 125; xây dựng báo cáo đề án dự thảo bổ sung sửa đổi NQ 125 nên tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị; nghiên cứu lại các Luật đầu tư và Luật đầu tư công trong quá trình áp dụng; đồng thời xác định rõ việc triển khai thực hiện NQ 37 lồng ghép với NQ 125 chứ không phải phục vụ cho xây dựng chợ Nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý tại hội nghị gởi cơ quan soạn thảo tiếp thu trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 7 năm 2018./.

Tác giả: Võ Thị Bích Phượng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết