Thành phần tham gia Đoàn giám sát gồm có ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Phó Trưởng đoàn, đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh; Ban Dân chủ - pháp luật và Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cơ quan Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước. Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều nỗ lực, song công tác bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong vài tháng trở lại đây Quảng Nam trở thành điểm “nóng” về phá rừng gây bức xúc trong dư luận: phá rừng ở biên giới Nam Giang; phá rừng ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, và mới đây nhất rừng phòng hộ sông Kôn, huyện Đông Giang bị tàn phá nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh
chủ trì làm việc tại huyện Nam Giang
Tại hai địa phương, Đoàn giám sát trực tiếp làm việc với xã Tà Lu, Zà Hung (Đông Giang), xã Chà VàL (Nam Giang); Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung; BQL rừng phòng hộ Sông Kôn nơi trực tiếp xảy ra vụ phá rừng. Theo báo cáo của các địa phương khu vực xảy ra phá rừng thuộc tiểu khu 41 xã Tà Lu và tiểu khu 140 Zà Hung, địa phận huyện Đông Giang. Tại hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 05 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Theo lâm phận quản lý có 12 gốc thuộc UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Sông Kôn. Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6 m3, một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 05 lóng gỗ tròn và 01 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 08 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3. Theo đó, khu vực bị tàn phá mới bị phát hiện là khu rừng lim quý hiếm thuộc Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang. Đây là khu rừng thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Cụ thể, đã có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ. Trong đó, có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào. Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3. Trong đó, gỗ lim xanh 223,121m3 và gỗ xoan đào 11,990m3… Sau khi chặt hạ, cưa thành nhiều phách, các đối tượng lâm tặc đã vận chuyển trót lọt một lượng lớn gỗ quý hiếm này ra khỏi khu rừng.
Một số vấn đề trao đổi của địa phương
Ông Hồ Quang Minh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang trao đổi: Huyện Đông Giang có tổng diện tích tự nhiên trên 82 ngàn ha, đất lâm nghiệp trên 69 ngàn ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng gần 53 ngàn ha, chiếm 84% tổng diện tích đất tự nhiên. Trên địa bàn huyện có 06 chủ rừng, 05 hạt kiểm lâm thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng. Từ năm 2017 đến nay đã tổ chức tuyên truyền lưu động 285 lần/11 xã, thị trấn; tuyên truyền tại chỗ 217 lượt; tổ chức 202 đợt tuần tra, đã phát hiện và lập biên bản 98 vụ vi phạm. Diễn biến của vụ việc khai khác rừng trên địa bàn xa Tà Lu và xã Za Hung khu rừng phòng hộ ở vùng giáp ranh giữa hai xã Jơ Ngây và Tà Lu do Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Kôn quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị này đã buông lỏng trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Blíp Thức- Tổ trưởng nhóm 3, xã Tà Lu cho biết: công tác giám sát của BQL rừng phòng hộ Sông Kôn không chặt chẽ, chưa được triển khai thường xuyên. Công tác tuần tra quản lý của nhóm hộ gia đình nhận khoán định kỳ 03 đến 04 lần/ 01 tháng, tuy nhiên không nắm được diện tích, ranh giới, số cây mình được phân quản lý, bảo vệ là bao nhiêu. Bên cạnh đó mức kinh phí hỗ trợ môi trường rừng quá thấp, được bình quân đều cho các thành viên trong nhóm, người không tham gia cũng được nhận như nhau.
Blíp Thức- Tổ trưởng nhóm 3, xã Tà Lu trao đổi tại buổi làm việc
Coor Hữu - Nhóm trưởng nhóm 4 thôn Cần Đôn, xã Chà Val rất bức xúc về việc xử lý và tiếp cận thông tin tố giác của nhóm trong quá trình tuần tra phát hiện các đối tượng khai thác gỗ trái phép và báo cho cơ quan chức năng nhiều lần nhưng vẫn không thấy hồi âm. Từ ngày 20/01 đến 24/02, bản thân ông trực tiếp điện báo Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chà Val 04 lần nhưng không có động tĩnh gì. Ông còn cho biết thêm, mỗi lần nhóm đi tuần tra trực tiếp thì phát hiện các việc khai thác gỗ của lâm tặc diễn ra rất ngang nhiên nhưng không dám lại gần vì các đối tượng trang bị nhiều phương tiện tối tân, nhưng khi có lịch trình phối hợp với các đoàn kiểm tra thì thấy không động tĩnh của các đối tượng khai thác trái phép.
Coor Hữu - Nhóm trưởng nhóm 4 thôn Cần Đôn, xã Chà Val trao đổi tại buổi làm việc
Ông Bông cho biết, tình trạng rừng phòng hộ ở khu vực sông Kôn bị tàn phá xảy ra từ lâu. Các đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện vào rừng đốn hạ cây, xẻ thành phách rồi dùng trâu, bò kéo ra ngoài bìa rừng để đưa về đồng bằng tiêu thụ. Người dân đã nhiều lần phản ảnh nhưng chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Qua giám sát tại các địa phương cho thấy hiện nay ở các địa phương còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cụ thể: (1) Việc phân chia lâm phận quản lý và phân công địa bàn còn nhiều hạn chế; chưa có kiểm lâm địa bàn chuyên trách, còn kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau nên thực sự bám sát địa bàn. (2) Việc sắp xếp nhiều đơn vị quản lý bảo vệ rừng trên cùng một địa bàn còn nhiều bất cập, chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi xảy ra các vụ phá rừng. (3) Công tác giao khoán quản lý rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP chưa phát huy được tác dụng, chưa gắn két được quyền lợi và trách nhiệm của người dân, có một số trường hợp người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhưng vấn tiếp tay cho đối tượng khai thác trái phép trong diện tích mình nhận khoán. (4) Nguồn kinh phí hỗ trợ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng quá thấp. (5) Công tác phối hợp giữa các lực lượng, chủ rừng chưa chặt chẽ, chưa gắn kết trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng, không có cơ quan chủ trì, chỉ đạo, điều phối…
Kết luận đợt giám sát, ông Nguyễn phi Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ghi nhận những kết quả của chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời đề nghị: Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng; nhìn nhận những hạn chế để khắc phục nâng cao năng lực chuyên môn, từng bước hoàn thiện hơn trong quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cũng kêu gọi người dân tích cực vào cuộc, kịp thời tố giác các hành vi xâm hại, không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Một số hình ảnh của Đoàn giám sát

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Đông Giang

Đoàn giám sát làm việc tại xã Chà Vàl huyện Nam Giang

Đoàn giám sát làm việc tại xã Tà Lu huyện Đông Giang

Trao đổi của lãnh đạo huyện Nam Giang