Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiệp thương, thống nhất đối tượng, địa phương và thời gian triển khai giám sát và phản biện xã hội năm 2018

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 16:32 | 14/03/2018 Lượt xem: 10298

Chiều ngày 14.3, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội về đối tượng, thời gian, địa phương giám sát và phản biện xã hội năm 2018. Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các ông (bà) trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh.

Trên cơ sở nội dung đăng ký giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp và có công văn xin ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 28/02/2018, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã có Thông báo Kết luận số 269-CV/TU về nội dung giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh năm 2018.


Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Phi Hùng chủ trì buổi làm việc đánh giá cao các nội dung giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2017 và đề xuất quy trình giám sát năm 2018  cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh để không trùng lắp đối tượng, thời gian, địa phương và phạm vi giám sát nhằm không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.

Hầu hết các đại biểu tham dự buổi làm việc thống nhất với kế hoạch dự thảo về đối tượng, thời gian và địa phương giám sát trong năm 2018. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chon chủ trì 08 Đoàn giám sát tại 28 địa phương và sở, ngành với các nội dung: Giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân (02 vụ); việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020 tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Giám sát việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của nhà nước, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người uy tín và chính sách đào tạo nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đối với chương trình giám sát do các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì thực hiện gồm 10 nội dung, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát 03 nội dung (06 doanh nghiệp), Hội LHPN giám sát 02 nội dung (04 đơn vị), Hội Nông dân tỉnh giám sát 02 nội dung (02 đơn vị), Tỉnh đoàn Quảng Nam 01 nội dung (02 đơn vị) và Hội CCB 01 nội dung (02 đơn vị). Nội dung phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với 02 văn bản dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2021 và dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7, khóa IX.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các đơn vị khi tiến hành giám sát phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng để nâng tầm của chính tổ chức mình. Đồng thời cử thành viên tham xuyên suốt các đoàn giám sát khi được mời; yêu cầu các đơn vị được giám sát phải gởi báo cáo có ký tên, đóng dấu đúng thời gian quy định để thành viên nghiên cứu trước khi giám sát.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các Ban chuyên môn cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình giám sát, phản biện xã hội theo quy định. Bên cạnh đó yêu cầu các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động hơn nữa trong việc tham gia phản biện các dự thảo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị./.

Tác giả: Võ Thị Bích Phượng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết