 |
ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường phát biểu tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri Núi Thành. Ảnh: N.Đ |
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Núi Thành vào sáng 30.9, nhiều cử tri kiến nghị Trung ương cần xem xét, tháo gỡ bất cập trong việc xếp bậc lương giáo viên theo vị trí việc làm mà không theo trình độ bằng cấp; các vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với đối tượng xã hội; những bất cập trong triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013.
Cử tri địa phương cũng kiến nghị, Trung ương cần dành ưu tiên hơn nữa đối với những cơ chế hỗ trợ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ở cơ sở; xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện, các đối tượng trục lợi bảo hiểm y tế và mua bán trái phép chất ma túy. Đồng thời quyết liệt, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu để xảy ra các vi phạm pháp luật do buông lỏng công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, từ tình hình thực tiễn của địa phương, cử tri huyện Núi Thành cũng kiến nghị các ĐBQH tỉnh làm việc với ngành chức năng, đơn vị quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhằm yêu cầu sớm khắc phục các sự cố do quá trình thi công gây ra ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Cụ thể như vấn đề bồi lấp đất ruộng, xây dựng các đường gom dân sinh và mương tiêu thoát nước, nâng mặt bằng nền đường cầu chung bằng với đường dân sinh không để tồn đọng nước ảnh hưởng đến giao thông...
 |
Cử tri Ngô Công Cầu (trú xã Tam Xuân 1) phát biểu kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách cho giáo viên. Ảnh: N.Đ |
ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung kiến nghị, phân loại chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết, trả lời kết quả cho cử tri. Giải đáp làm rõ hơn những nội dung được cử tri phản ánh, ĐBQH Phan Việt Cường cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh, UBND huyện Núi Thành làm việc với đơn thi thi công đường cao tốc khảo sát, kiểm tra nhằm khắc phục các vướng mắc, tồn tại do quá trình thi công và những nội dung có liên quan.
Về xử lý trách nhiệm của đơn vị, cơ quan do buông lỏng công tác quản lý dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật như vụ việc phá rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) để trồng keo, gây xôn xao và bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường khẳng định, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều ra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Còn trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc này như thế nào sẽ được kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc, cụ thể, không xuê xoa cho bất cứ ai...
* Chiều cùng ngày, gần 300 cử tri ở 7 địa phương của huyện Quế Sơn, gồm: Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế An và thị trấn Đông Phú tham dự buổi tiếp xúc. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Lê Ngọc Hải báo cáo khái quát với cử tri huyện Quế Sơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Quảng Nam 8 tháng đầu năm 2017 và thông tin một số nội dung trọng tâm sẽ được bàn bạc, thảo luận trong Kỳ họp thứ tư - Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23.10 đến 23.11 sắp tới.
 |
Các đại biểu Lê Ngọc Hải và Phan Việt Cường chủ trì buổi tiếp xúc với cử tri trên địa bàn 7 xã, thị trấn của huyện Quế Sơn. Ảnh: VĂN SỰ |
Cử tri huyện Quế Sơn bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp sớm quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương. Theo đó, cử tri cho biết, trên tuyến đường ĐT611 từ ngã 3 Hương An lên xã Quế Long có rất nhiều đoạn không làm hệ thống cống thoát nước, đa số nhà dân thấp hơn mặt đường nên mỗi khi trời mưa to nước chảy tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của người dân. Hệ thống kênh mương chính và nội đồng của hồ chứa nước Cây Thông chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ đã gây khó khăn rất lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp.
Cử tri huyện Quế Sơn cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trong việc cấp phép cho các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện, những đơn vị liên quan phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tích cực thu hút đầu tư và chú trọng công tác đào tạo nghề để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; kiểm soát tốt thị trường phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và siết chặt khâu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
 |
Quang cảnh cuộc tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với cử tri Quế Sơn chiều 30.9. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều cử tri cũng mong muốn thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân tìm kiếm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực, nếu cứ để nhà nông “tự bơi” như nhiều năm qua thì sẽ rất khó khăn. Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng liên quan đến chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống tham nhũng, Đảng và Nhà Nước phải làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, tuyệt đối không có vùng cấm…
NGUYÊN ĐOAN - NGUYỄN SỰ
Trước đó, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 28.9, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc cử tri TP.Hội An.
 |
Công tác phòng chống tham nhũng được nhiều cử tri phản ánh tại buổi tiếp xúc. Ảnh: K.L |
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Quang Dũng trình bày các báo cáo liên quan đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 23.10 - 23.11 tới), đặc biệt là tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh Quảng Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, thời gian qua Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát, góp ý sửa đổi một số luật tại Quốc hội như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thủy sản… Đồng thời, tổ chức 3 đoàn giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm; cải cách bộ máy nhà nước; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức 3 đoàn tiếp xúc cử tri tại 23 điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó đã tổ chức 3 buổi tiếp xúc cử tri với thanh niên, công nhân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động và các bạn trẻ.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri TP.Hội An, 3 nhóm vấn đề được cử tri tập trung phản ánh nhiều nhất gồm: phòng chống tham nhũng, giải quyết chế độ chính sách người có công, công tác quản lý tài nguyên rừng. Cử tri kiến nghị cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa đối với các vấn đề trên trong thời gian tới.
 |
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại TP.Hội An. Ảnh: K.L |
Giải đáp các thắc mắc của cử tri, đại biểu Nguyễn Quang Dũng khẳng định công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Quốc hội quan tâm, được minh chứng qua việc khởi tố xét xử những vụ đại án tham nhũng. Riêng việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công, đây luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Quốc hội. Dù tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn thu giảm nhưng nhà nước vẫn chủ trương không cắt giảm các nguồn hỗ trợ cho đối tượng chính sách mà tăng dần qua các năm, tuy không nhiều. Từ những phản ánh kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp để kiến nghị đến Quốc hội trong Kỳ họp thứ tư sắp tới.
KHÁNH LINH
Ngày 30.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Quảng Nam gồm các đại biểu Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội và Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các huyện miền núi Phước Sơn và Nam Giang.
 |
Đại biểu Nguyễn Đức Hải thông tin một số nội dung tại buổi tiếp xúc cử tri Phước Sơn. Ảnh: Đ.N |
Báo cáo trước cử tri, đại biểu Nguyễn Đức Hải đã thông báo những nội dung làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sắp tới như: Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật; xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng…
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Phước Sơn phản ánh, địa phương hiện đang giao khoán 75.000ha rừng để người dân bảo vệ, tuy nhiên mức giao khoán hiện nay rất thấp, không khuyến khích được người dân tham gia. Ngoài ra, vấn đề giải tỏa đền bù chưa thỏa đáng đất sản xuất lâm nghiệp của người dân xã Phước Mỹ và xã Phước Năng trong khu vực nhà máy thủy điện Nước Chè. Trong khi đó, mặc dù hiện nay Phước Sơn có 4 nhà máy thủy điện, nhưng nhiều khu vực trên địa bàn huyện thường xuyên mất điện do hạ tầng truyền tải điện chưa được đầu tư đồng bộ. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần xây dựng chính sách hợp lý theo hướng không để người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, mà phải hướng tới khuyến khích người dân tự vươn lên.
 |
Cử tri huyện Nam Giang kiến nghị với ĐBQH tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đ.N |
Còn tại huyện Nam Giang, cử tri cũng kiến nghị với các ĐBQH một số vấn đề liên quan đến xây dựng cơ chế khuyến khích để người dân mạnh dạn đăng ký thoát nghèo; những bất cập trong đánh giá, chấm điểm các hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều; phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cần sớm giải quyết việc thiếu đất sản xuất của người dân ở thôn Vinh và thôn 2 (xã Tà Pơơ) sinh sống xung quanh hồ thủy điện Sông Bung 4.
Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương Phước Sơn, Nam Giang đã giải trình một số vấn đề, nội dung liên quan thuộc thẩm quyền; đồng thời Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo trước Quốc hội.
ĐĂNG NGUYÊN - CTV