Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, cách làm hay lồng ghép trong triển khai thực hiện các tiêu chí về đô thị văn minh với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên đã xây dựng nhiều mô hình trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động của các mô hình có sự chồng chéo, trùng lắp nội dung, đối tượng vận động tham gia nên chất lượng chưa như mong đợi. Qua rà soát, đánh giá lại hiệu quả các mô hình và tham vấn ý kiến của đại diện các hộ gia đình, MTTQ Thành phố đã ra mắt mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” nhằm khơi dậy, phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của Nhân dân trong tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa, đô thị văn minh; lấy khu dân cư làm địa bàn để triển khai với phương châm “tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm và cùng nhau thụ hưởng”.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hội An trao tặng trang thiết bị cho các KDC xây dựng mô hình
Xác định đây là mô hình “kiểu mẫu” được triển khai trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân nên để mô hình được biết đến, đi vào cuộc sống và hiệu quả, ban đầu, MTTQ thành phố chọn mỗi phường 01 khu dân cư để triển khai thực hiện điểm. Theo đó, đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phát tập gấp hướng dẫn về các tiêu chí của mô hình. Sau hội nghị, Ban công tác Mặt trận đã tổ chức họp khu dân cư để triển khai, ký cam kết thực hiện và thành lập các Tổ tự quản bao gồm đại diện các hộ gia đình tự nguyện tham gia. Thời gian qua, thành viên các Tổ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện mô hình thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con láng giềng, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, hương ước của khối phố; gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau khi cần; thực hiện nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa trong việc cưới, tang, lễ hội và đời sống sinh hoạt; không để xảy ra mâu thuẫn trong gia đình và khu dân cư. Phấn đấu làm ăn để phát triển kinh tế gia đình…; nhờ đó, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các hộ gia đình ngày càng nâng cao. Qua triển khai, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Thực hiện tiêu chí Tự quản về an ninh trật tự. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các thành viên của Tổ thường xuyên vào từng ngõ, gõ từng nhà thăm hỏi, trò chuyện với bà con để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm. Qua đó, kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở gia đình giáo dục con cháu chăm ngoan, học giỏi; vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác tội phạm; quản lý và bảo vệ tốt tài sản gia đình, tài sản sử dụng; giữ gìn trật tự công cộng, nhất là các hộ buôn bán, kinh doanh trong khu phố cổ thực hiện nghiêm quy định về thời gian, công suất âm thanh không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh tại khối phố, tổ đoàn kết trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau… Phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; cung cấp hàng trăm thông tin có giá trị cho cơ quan chức năng để điều tra xử lý, góp phần hạn chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn dân cư.
Để góp phần thực hiện “cầu nối” gắn kết, trao truyền và nhân lên những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng Hội An - thành phố văn hóa mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã, đang và tiếp tục gìn giữ, bồi đắp hướng đến thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch (nay là Nghị quyết 31-NQ/TU ngày 31/7/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030), bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền trong cộng đồng dân cư - các chủ thể của di sản chung tay cùng thành phố trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, quần thể kiến trúc đô thị cổ độc đáo; tích cực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ gắn với di sản tạo cơ sở vững chắc để phát triển du lịch - phát triển kinh tế của Hội An, MTTQ Thành phố đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư và Tự quản về văn hóa là một trong bốn nội dung được lựa chọn để xây dựng mô hình. Với các tiêu chí dễ nhớ, ít tốn kinh phí thực hiện (như: Vận động Nhân dân có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự trong giao tiếp, thể hiện sự “đoàn kết, thân thiện, gần gũi” giữa bà con lối xóm, giữa cư dân Phố hội với du khách; Gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả). Các Tổ tự quản cụ thể hóa thực hiện thông qua việc tuyên truyền các nội dung của Đề án “Hội An - nhân tình thuần hậu”, nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thái độ, thói quen và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong giữ gìn mối quan hệ gia đình, trong giao tiếp, ứng xử văn minh với cộng đồng. Vận động người dân tích cực tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nhân các ngày hội, lễ hội của địa phương nhằm tạo sự gắn kết giữa các gia đình, cộng đồng dân cư. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ cúng được đưa vào các Quy ước xây dựng gia đình, tộc họ, khối phố văn hóa, phường văn minh đô thị. Hằng năm, có trên 97% hộ gia đình, 90% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa. 100% các khu dân cư tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có trên 85% tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”. Đến nay, 100% các đám tang thực hiện tốt “Không rải vàng mã khi đưa tang”, nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng; các lễ cúng thực hiện theo đúng quy định, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương.
Với những điều kiện thuận lợi của môi trường sống, các hộ gia đình tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho con em trong dòng tộc, tại địa phương và người lao động từ nhiều nơi khác chọn Hội An làm nơi sinh sống, làm việc. Tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia đóng góp Quỹ vì người nghèo, cứu trợ và các hoạt động từ thiện nhân đạo khác ở cộng đồng. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của thành phố. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2024, 9 phường hiện còn 11 hộ nghèo (BTXH), 27 hộ cận nghèo.

Khối phố An Định, phường Minh An ra mắt mô hình
Triển khai thực hiện các tiêu chí Tự quản về môi trường gắn với các nội dung về xây dựng đô thị văn minh, Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 12/11/2019 của Thành ủy Hội An về tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; tiếp tục chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường thành phố Hội An; Đề án số 73/ĐA-UBND ngày 14/4/2022 của UBND thành phố Hội An về bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Thời gian qua, các Tổ thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ở khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn; tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón; không đổ phế thải sai quy định; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp, khang trang phố phường thông qua phát động “Ngày chủ nhật xanh”, “Mỗi người - mỗi ngày một việc vì môi trường”, ra quân dọn dẹp vệ sinh tại khu dân cư, tuyến đường chính, điểm công cộng nhân ngày môi trường thế giới (05/6) hay các dịp lễ, Tết; không để xảy ra các điểm nóng về rác thải. Các “Tuyến đường hoa”; Khu dân cư, hẻm kiệt sáng - thoáng - xanh - sạch - đẹp hay các “giàn hoa thay mái tôn kẽm, sắt”… ngày càng nhiều cho thấy sự tích cực hưởng ứng, tham gia rộng rãi của người dân. Có thể nói, hoạt động của các Tổ tự quản đã và đang mang lại kết quả thiết thực, làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác gìn giữ, bảo vệ môi trường; vừa góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng đô thị văn minh, vừa hướng người dân tới cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường...
Tự quản về an toàn giao thông là nội dung thứ tư được triển khai nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ thành phố trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, thành viên các tổ tự quản luôn gương mẫu thực hiện và vận động người thân trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Tích cực cùng Ban công tác Mặt trận trong tổ chức ký cam kết, đưa nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; xây dựng các tuyến đường tự quản về trật tự an toàn giao thông; vận động bà con nhân dân lắp đặt camera, đèn điện chiếu sáng vào ban đêm; hòa giải các vụ va quẹt giao thông nhẹ không để xảy ra mâu thuẫn giữa các bên. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân buôn bán dọc theo các tuyến đường không lấn chiếm lòng đường hè phố để kinh doanh. Ông Phan Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Minh An cho biết: Sự chủ động, tham gia nhiệt tình, tích cực của bà con nhân dân đã cho thấy ý thức của bà con có sự thay đổi đáng kể; qua đó, đã cùng chung tay góp sức để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông tại địa phương.
Với những kết quả đạt được, cho thấy mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” do MTTQ Thành phố phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Từ chỗ các Tổ tự quản phải tuyên tuyên, vận động người dân tham gia các hoạt động, tiêu chí của mô hình, đến nay, các hộ gia đình đã tự giác, trách nhiệm hơn trong thực hiện các quy định nếp sống văn minh, trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường và cùng nhau phát triển. Tình cảm của các gia đình trong khu dân cư được gần gũi, gắn bó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau được phát huy, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân…. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trở thành phong trào tự nguyện, mô hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa rộng rãi. Nhờ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng đô thị văn minh, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình còn gặp khó khăn, đó là: Vẫn còn một số ít người dân chưa thật sự tích cực tham gia; công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình ở một vài khu dân cư chưa được tiến hành duy trì thường xuyên; sự hỗ trợ về nguồn lực của chính quyền địa phương cơ sở còn hạn chế.
Nhằm duy trì và phát triển mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian đến, cần làm tốt các giải pháp sau:
Một là, để mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” hoạt động có hiệu quả, yếu tố quan trọng và quyết định đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành đoàn thể từ phường đến khu dân cư, sự đồng thuận của Nhân dân; mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng địa bàn, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn.
Hai là, tăng cường tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về quyền và trách nhiệm của công dân trong việc phát huy dân chủ, chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, cũng như tham gia xây dựng mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” ở khu dân cư.
Ba là, cần huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, nhằm hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất để duy trì hoạt động mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản”. Để tránh chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng mô hình, Mặt trận phải chủ trì rà soát, đánh giá để thống nhất với các đoàn thể trong xây dựng mô hình.
Bốn là, Mặt trận các phường thường xuyên xây dựng cơ chế giám sát và khen thưởng để khuyến khích các khu dân cư duy trì mô hình hoạt động hiệu quả.
* Nhìn lại kết quả triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư đô thị 04 tự quản” trên địa bàn thành phố - một sáng kiến mới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng cộng đồng bền vững tại Hội An. Đây không chỉ là giải pháp quản lý hiệu quả mà còn là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân và đặc biệt mô hình phù hợp với định hướng xây dựng “Khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029 đã đề ra./.