Bắc Trà My cách trung tâm tỉnh lỵ 50km về hướng Tây Nam, tổng diện tích tự nhiên là 82.543,62 ha, toàn huyện có 12 xã và 01 thị trấn, 46 thôn; 11/13 xã, thị trấn có người đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó: 09 xã thuộc khu vực III, 02 xã thuộc khu vực I với 28 thôn đặc biệt khó khăn). Tổng dân số trên địa bàn huyện là 48.448 người/11.612 hộ, trong đó người đồng bào DTTS là 25.721 người/6.137 hộ, gồm 28 thành phần dân tộc, trong đó các dân tộc Xơ Đăng, Cadong, Cor, Mơ nông là người tại chỗ.
Lãnh đạo, cán bộ và nhân dân huyện Bắc Trà My tham gia ủng hộ xoá nhà tạm, nhà dột nát
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đề ra những chính sách đầu tư thông qua các chương trình, đề án, dự án đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.Tuy nhiên, do phần lớn các hộ nghèo trong huyện chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, trình độ sản xuất còn thấp, chưa có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều vào sản xuất nên năng suất chưa cao, các hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện đời sống, nhất là thiếu hụt chất lượng nhà ở chưa được xây dựng kiên cố, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, do đó các hộ nghèo vẫn chưa có điều kiện thoát nghèo, thậm chí có hộ đã thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo cao nếu gặp sự cố, bất trắc xảy ra trong cuộc sống.
Trên cơ sở Kế hoạch số 8546/KH-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 theo nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn huyện Bắc Trà My với tổng số lượng nhà tạm thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng cần hỗ trợ trên địa bàn huyện Bắc Trà My giai đoạn 2023-2025 là 1.440 hộ, trong đó: Số nhà cần xây mới là: 1.003 nhà, số nhà cần sửa chữa là: 437 hộ; tổng số nhà ở hỗ trợ từ năm 2023 đến nay là 460 nhà, trong đó xây mới 331 nhà và sửa chữa 129 nhà. Số nhà hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo còn lại thực hiện từ nay đến năm 2025 để xây mới và sửa chữa nhà ở là 970 nhà, trong đó xây mới là 672 nhà, sửa chữa là 308 nhà. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn huyện, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân chung tay, ủng hộ, giúp đỡ. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực tiễn cao, là ước mong của người dân thiếu hụt về nhà ở; là món quà thiết thực, ý nghĩa, giúp các hộ nghèo có điều kiện “an cư, lạc nghiệp”, cùng nhau vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc và ngày càng phát triển. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với người dân thiếu hụt về nhà ở để họ ổn định chỗ ở, yên tâm lao động, qua đó thắt chặt mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Do vậy, để phối hợp, hỗ trợ cùng chính quyền triển khai tốt xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025, MTTQ các cấp cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân với nhiều hình thức khác nhau về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát từ đó tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Hai là, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban vận động “ Quỹ Vì người nghèo”, Ban vận động xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng tham mưu với cấp ủy có những chủ trương chỉ đạo sát với tình hình thực tế địa phương; tiếp tục tăng cường vận động ủng hộ mọi nguồn lực trong xã hội, nhất là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo và cá nhân, đơn vị kết nghĩa, Hội đồng hương trong, ngoài huyện và kiều bào ở nước ngoài thực hiện chương trình an sinh xã hội, tập trung xây dựng “xóa nhà tạm, nhà dột nát” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc công khai các nguồn lực hỗ trợ đúng đối tượng; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng quỹ; tham mưu, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn huyện, tạo sức lan tỏa, huy động nhiều hơn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia.
Bốn là, Đề nghị cơ quan chuyên môn, các địa phương các cấp cần nghiên cứu đề ra những mẫu nhà phù hợp với từng địa hình, phong tục tập quán của người dân, nhất là người đồng bào DTTS gắn với số tiền cần xây dựng với phương châm nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ và người dân tự quyết định mẫu và xây dựng nhà phù hợp với truyền thống của mình.
Năm là, trong quá trình thực hiện, cần sử dụng nguồn vốn chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách của tỉnh, huyện lồng ghép với nguồn vận động. Đồng thời, huy động sự đóng góp của cộng đồng tham gia giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ nguyên vật liệu (cát, sạn, gỗ…) để làm nhà ở. Tổ chức xây dựng phong trào “cộng đồng chung tay giúp đỡ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn thôn, nóc. Nên chọn một số hộ làm nhà ở hiệu quả để làm mô hình mẫu nhân rộng trên địa bàn. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm chắc địa bàn, hoàn cảnh gia đình từng hộ để phản ánh cấp uỷ, chính quyền hỗ trợ một cách phù hợp; cần phân giao số lượng cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các xã, thị trấn có trách nhiệm tham gia theo dõi, giúp đỡ và giám sát từng hộ dân triển khai thực hiện.
Sáu là, mức hỗ trợ 60 triệu/nhà, với số tiền này nếu gia đình không có người làm giúp phải đi thuê nhân công, không có tiền đối ứng... thì rất khó hoàn thiện được ngôi nhà đảm bảo “3 cứng”. Bởi vậy, dù ngôi nhà được xây mới, chỉnh trang nhưng lại chật hẹp và thời gian không lâu lại xuống cấp. Để làm được nhà ở đáp ứng nhu cầu cơ bản vùng đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo chất lượng, phù hợp tiêu chí nông thôn mới cần tối thiểu trên 100 triệu đồng. Do đó, các hộ cần có tiền đối ứng hoặc dựa vào nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ gia đình rất nghèo, nhất là các hộ người già, neo đơn,… không có khả năng bỏ thêm tiền đối ứng để xây dựng, do đó cần sử dụng nguồn xã hội hóa của Ban vận động để hỗ trợ; còn đối với những gia đình có điều kiện hơn thì không được ưu tiên hỗ trợ thêm từ nguồn này.
Bảy là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần hỗ trợ giúp hộ dân hợp đồng với các đại lý để mua nguyên vật liệu xây dựng với giá gốc nhằm giảm chi phí trung gian với giá rẻ hơn, kết hợp nhiều gia đình cùng mua, cùng vận chuyển để có thể tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể./.