Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở thông qua nhiều chương trình đã được triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, Chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025…, cùng với đó các phong trào xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... đã giúp hàng chục ngàn hộ gia đình của tỉnh có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh số lượng người có công, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn cần được xây mới và sửa chữa trong giai đoạn 2023-2025 theo chủ trương của Tỉnh là rất lớn, qua khảo sát, rà soát tại các địa phương đến ngày 30/6/2024 toàn tỉnh có 10.453 nhà. Do đó, Tỉnh xác định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Tỉnh, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, của các tổ chức cá nhân và toàn xã hội.
Nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng ủng hộ kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lễ phát động
Thực hiện công tác lãnh đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị 25-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo Kết luận số 588-TB/TU ngày 15/8/2023 về Dự thảo đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 đã quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian đến, trong đó nguồn kinh phí thực hiện được huy động từ các quỹ an sinh xã hội, quỹ phúc lợi (Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”…), từ nguồn vận động xã hội hóa, vận động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang ủng hộ ít nhất 01 ngày lương trong 03 năm từ năm 2023-2025, vận động trong đoàn viên, hội viên tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức xã hội và nguồn tiết kiệm chi hằng năm từ 1-3% từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan đơn vị, địa phương (trừ các khoản tiền lương, tiền công…) và các nguồn kinh phí khác.
Thực hiện Thông báo Kết luận 588-TB/KL của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn chỉnh đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 22/9/2023 quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, quy định đối tượng hỗ trợ hộ là gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu/ nhà, sửa chữa là 30 triệu/ nhà; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thành lập Ban Vận động thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ phát động, ban hành thư kêu gọi ủng hộ gửi đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Năm 2024, để tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành thông báo Kết luận số 699-TB/TU, ngày 06/3/2024 về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, cần đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp hay, sáng tạo để huy động tốt nhất các nguồn lực, hoàn thành cơ bản chỉ tiêu đề ra, hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương và chào mừng đại hội Đảng các cấp. Triển khai thực hiện nội dung trên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, phân công Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả hoạt động Ban Vận động thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Tại phiên họp lần thứ nhất, Bí thư Tỉnh ủy -Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kết luận số 01-TB/BCĐ, ngày 05/6/2024 giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn chỉnh Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, kịch bản về vận động các nguồn xã hội hóa, xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nghệ thuật nhân ngày Vì người nghèo huy động sự tham gia đóng góp ủng hộ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát thống kê, số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở đến ngày 30/6/2024 đảm bảo công khai, không trùng lắp đối tượng, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo tỉnh về số liệu nhà tại địa phương…
Để thực hiện có hiệu quả và hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, thực hiện lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước đén năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, các kết luận của Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh trong thời gian đến, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn xã hội hóa có vai trò quan trọng quyết định việc thành công việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, xin nêu một số nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên như sau:
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện nghiêm túc các thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, mang tính lâu dài, ổn định và cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị; trong đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, đa dạng hoá nội dung, hình thức tuyên: xây dựng chuyên mục, phóng sự, đưa tin, bài trên sóng phát thanh, truyền hình về các cá nhân, tập thể đã vận động, đã đóng góp hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát, qua các mạng xã hội, hệ thống tin nhắn của UBND tỉnh... nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, hưởng ứng phong trào "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"…tạo được sự đồng thuận xã hội, tham gia ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đặc biệt là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc phối hợp với các các chi hội đoàn thể vận động mỗi người góp ít nhất mỗi năm một ngày lương; công nhân, người lao động mỗi năm giúp ít nhất một ngày thu nhập; đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu niên tiết kiệm để giúp đỡ ít nhất 50.000 đồng; mỗi hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên ủng hộ ít nhất 100.000 đồng hoặc tham gia đóng góp vật liệu, ngày công với tinh thần. “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân chủ động, cộng đồng giúp đỡ”.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nội dung Quy chế của Ban Chỉ đạo và Thông báo phân công nhiệm vụ, kế hoạch vận động của Ban Chỉ đạo, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò cá nhân trong việc đề ra kế hoạch, giải pháp vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; Hội đồng hương Quảng Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tranh thủ nguồn lực ủng hộ của Trung ương.
- Đa dạng hóa các hình thức vận động thông qua các chương trình, sự kiện, hoạt động nhân dịp các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm, đặc biệt là tổ chức tốt lễ phát động trong dịp Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024; thực hiện tốt công tác vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ “Vì người nghèo” để có thêm nguồn lực hỗ trợ; vận động đoàn viên thanh niên tại các địa phương tham gia hỗ trợ tháo dỡ, xây dựng và vận chuyển vật liệu phục vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; phát huy tinh thần nội lực vươn lên "thoát nghèo" của hộ nghèo, hộ cận nghèo, vận động bà con trong dòng họ, anh em tham gia đóng góp ( hiện vật, tiền, ngày công) góp phần cũng với nguồn kinh hỗ trợ để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở./.