Phước Sơn là một huyện miền núi cao của tỉnh, có 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 10 xã thuộc khu vực III, 01 xã và 01 thị trấn thuộc khu vực I, 33 thôn, tổ dân phố thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 6.994 hộ/28.600 nhân khẩu, gồm 24 thành phần dân tộc sinh sống; trong đó chủ yếu là người Gié- Triêng (Bhnong) chiếm tỷ lệ 58,9%, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 32,1%, còn lại các dân tộc thiểu số khác chiếm tỷ lệ 9%. Sản xuất chủ yếu là thuần nông, còn phụ thuộc nhiều về thiên nhiên nên năng suất, chất lượng và hiệu quả đạt thấp; tiềm năng và lợi thế của địa phương chưa được phát huy, phần lớn diện tích đất sản xuất được đồng bào sử dụng để trồng cây keo, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay vẫn còn cao (tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 1.814 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm 93,84% trong tổng số hộ nghèo (1.933/6.994 hộ, tỷ lệ 27,64 %); hộ cận nghèo là đồng bào DTTS 774 hộ, chiếm 98,68% trong tổng số hộ cận nghèo toàn huyện (863/6.994 hộ, tỷ lệ 12,34%)). Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ngại đi xa tìm việc làm, không chịu được áp lực lao động công nghiệp; có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trình độ nhận thức và tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế; còn chịu ảnh hưởng của một số hủ tục lạc hậu, chưa biết tiết kiệm, tính toán hợp lý trong chi tiêu…
Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND huyện ký kết Chương trình phối hợp thực hiện
Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào các dân tộc thiểu số
Trước tình hình thực tế trên đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác Mặt trận các cấp huyện Phước Sơn là cần phải phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp huyện Phước Sơn đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng mạnh về cơ sở và khu dân cư, đi vào những vấn đề cụ thể, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp; lồng ghép triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc lậu; hướng dẫn thay đổi tập quán canh tác theo hướng giảm dần phụ thuộc vào thiên nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chăn nuôi có chuồng trại; thực hành tiết kiệm trong chi tiêu; mạnh dạn vay vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của xã hội để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững…Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức của Nhân dân, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là từ sau cơn bão số 9 năm 2020, đã có gần 300 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn và hư hỏng nặng, đồng bào đã biết tận dụng nguồn hỗ trợ của Ban Vận động cứu trợ huyện, nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện để tích lũy đầu tư xây dựng nên những ngôi nhà khang trang, đảm bảo sinh hoạt đời sống của hộ gia đình, chất lượng nhà được cải thiện hơn.
Đặc biệt, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2025 theo Đề án của huyện đã đăng ký với Tỉnh và Trung ương; thực hiện chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tham mưu Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/HU, ngày 09/02/2023 về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện với 10 nội dung về thay đổi nếp nghĩ và 10 nội dung về thay đổi cách làm, tập trung vào những vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân; theo đó, xác định việc thực hiện Cuộc vận động là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với thực hiện các nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương. Kết quả mang lại đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không chạy theo thành tích; lấy kết quả, sản phẩm cụ thể mang lại từ sự thay đổi tích cực về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, sinh hoạt làm thước đo đánh giá hiệu quả của Cuộc vận động.
Ngay sau khi Chỉ thị số 27 được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chủ trì phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị thảo luận, ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2023-2030, trong đó, thống nhất các nội dung nhiệm vụ, đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể từng năm và cả giai đoạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam huyện, các ngành trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn; đồng thời tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Cuộc vận động trên phạm vi toàn huyện. Đối với cấp cơ sở, MTTQ các xã, thị trấn cũng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp triển khai đồng bộ Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương.
Nhằm đảm bảo hiệu quả và thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã cùng với UBND huyện biên soạn và tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chủ trương về nội dung, số lượng, thành phần, đối tượng phát hành Cuốn Sổ tay tuyên truyền Cuộc vận động với số lượng 9000 bản in; theo đó, cuốn Sổ tay được phát hành đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ-giáo viên, lực lượng vũ trang toàn huyện và cả hệ thống chính trị, đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu và gần 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện. Đồng thời lồng ghép triển khai Cuộc vận động với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các tổ chức Đoàn, Hội gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai tại địa phương, đặc biệt là các mô hình phát triển sản xuất theo nhóm hộ.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, … MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở đã chủ động lựa chọn những nội dung, phần việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy hiệu quả kết hợp nhiều kênh thông tin, tuyên tuyền, vận động (như: tuyên truyền miệng; thông qua trang thông tin điện tử, thông qua chuyên mục “Đại đoàn kết”, trang cộng đồng, đài truyền thanh cơ sở, sinh hoạt chuyên đề đoàn hội viên, các buổi họp nhân dân, gặp gỡ trao đổi, vận động, thuyết phục…); treo băng rôn, pa nô, áp phích với các hình ảnh trực quan, sinh động… phối hợp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, chăm sóc cây trồng, con vật nuôi; quay vòng nguồn vốn và tiêu thụ sản phẩm…; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu, lực lượng nòng cốt ở khu dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động và chọn làm điểm, làm mẫu… Qua đó, từ 2023 đến nay đã có 02 người uy tín tiêu biểu và 23 cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt/tổng số 108 hộ đăng ký thực hiện thí điểm chuyển trồng keo qua trồng cây gỗ lớn và cây ăn quả kết hợp trồng xen canh cây bắp, cây sắn theo Nghị quyết số 16 của HĐND huyện. Phối hợp tổ chức 26 lớp tập huấn và 06 lớp nghề hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân, thu hút 800 lượt đoàn, hội viên và Nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, thông qua việc chủ trì hiệp thương phân công duy trì và thành lập mới các mô hình chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, đã có 16 mô hình phát triển sản xuất/45 mô hình toàn huyện, trong đó có 05/16 mô hình triển khai rộng khắp 12/12 xã, thị trấn, 07/16 mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ; 08/45 mô hình trong triển khai thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị số 27 của Huyện ủy với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; đã đăng ký và giúp gần 200 hộ thoát nghèo bền vững…
Qua công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua hơn 01 năm tập trung đồng bộ triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận đồng bào bước đầu đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, thay đổi dần tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, phát huy được nhân lực của gia đình; loại bỏ dần các phong tục, tập quán không còn phù hợp…
Tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền huyện Phước Sơn; sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với sự hưởng ứng tích cực, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là trong đời sống sản xuất, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, tích lũy cho đầu tư phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn sẽ thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, có đời sống vật chất, tinh thần mỗi ngày được cải thiện và nâng lên; qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng-an ninh được đảm bảo, kinh tế-xã hội phát triển, giúp địa phương thoát nghèo bền vững và phát triển./.