Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: V.A
Quán triệt nội dung Chỉ thị 18, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh 3 nội dung quan trọng triển khai trong thời gian đến, bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát huy dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện phát huy vai trò giám sát của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội.
Theo ông Lê Tiến Châu, MTTQ và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội…
Hệ thống mặt trận phối hợp với cơ quan truyền thông cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, xây dựng chuyên trang, chuyên mục đưa tin tuyên truyền việc triển khai Chỉ thị 18.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quán triệt Chỉ thị 18 dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: V.A
Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí biên chế, kinh phí cho công tác giám sát, phản biện xã hội ở tất cả cấp, kể cả cấp xã và kinh phí cho ban giám sát, đầu tư của cộng đồng; kinh phí cho hoạt động của ban tư vấn, cho chuyên gia tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội.
MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với Mặt trận Trung ương tổng kết, rà soát, nghiên cứu và đề xuất cơ quan có thẩm quyền cùng cấp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam…
Ông Lê Tiến Châu đề nghị, trong năm 2023, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên bám sát kế hoạch triển khai Chỉ thị 18 với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ đó triển khai nội dung, nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện. Phân công trách nhiệm cụ thể và thời gian, lộ trình thực hiện phù hợp để triển khai toàn diện các nội dung, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện và phát huy quyền làm chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phi Hùng - PCT TT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất bổ sung một số nội dung, giải pháp hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT quy định về cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện. Cụ thể: Quy định hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp bố trí thời gian, bổ sung chương trình kỳ họp (6 tháng và năm) để BTT Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp báo cáo kết quả và kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội để Quốc hội và HĐND cùng cấp thảo luận, có ý kiến... (theo quy định của Chỉ thị 18-CT/TW); đề nghị nâng mức kinh phí, bổ sung nội dung chi tại các quy định liên quan đến kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nâng mức kinh phí hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng (hiện nay 10 triệu/xã là không phù hợp với những xã có nhiều công trình, dự án đầu tư...), hỗ trợ hằng tháng cho tất cả thành viên hội đồng tư vấn các cấp (hiện nay chỉ có chủ nhiệm và phó chủ nhiệm không hưởng lương ngân sách mới được hưởng)... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.