Chỉ thị nêu rõ quan điểm xóa nhà tạm là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính lâu dài, ổn định phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Với phương châm đa dạng hóa hình thức xây dựng, sửa chữa nhà ở, linh hoạt sử dụng các nguyên, vật liệu và nhân công tại chỗ hiện có; tiếp tục kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, phấn đấu đến hết năm 2024, cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tiếp nhận ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết từ nguồn hỗ trợ của Mặt trận Trung ương
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy hiệu quả nguồn vận động Quỹ “vì người nghèo”, đa dạng hóa hình thức đóng góp, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Kịp thời xây dựng các mô hình mới, biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, hiệu qủa trong công tác vận động, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát việc thực hiện xóa nhà tạm, đặc biệt giám sát ngay từ ban đầu không để xảy ra tiêu cực và không đúng đối tượng hỗ trợ nhà ở.
Được biết, theo chuẩn nghèo mới đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 33.127 hộ nghèo (7,59%); hộ cận nghèo 8.202 (1,88%), đa số các hộ này sống trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ. Toàn tỉnh hiện có 2.584 nhà tạm, trong đó có 2.099 nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ xây dựng nhà ở.