Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phản biện xã hội dự thảo Đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025”

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 20:43 | 06/01/2022 Lượt xem: 3832

Chiều ngày 6/01/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025” do Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh chủ trì soạn thảo. Ông Võ Xuân Ca- UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị.

Thành phần tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư- Cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh; thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; chuyên gia trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế, tài nguyên-môi trường, giám định tư pháp...

Xã hội hóa là một chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng và lâu dài, nhằm huy động mọi tiềm năng và nguồn lực các thành phần kinh tế và của toàn xã hội, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa không đơn thuần là giải pháp tình thế nhằm huy động sức dân khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, mà còn là sự đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách quản lý của Nhà nước, tiếp tục thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm nhằm phát huy nội lực, tính chủ động của mọi thành phần, mục tiêu phục vụ lợi ích cho toàn xã hội.


Toàn cảnh Hội nghị

Khai mạc Hội nghị, ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá sơ bộ những năm qua, việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt những kết quả tích cực, bước đầu khai thác, phát huy tiềm năng và các nguồn lực của xã hội, góp phần giảm chi ngân sách đầu tư cho các cơ sở dịch vụ công lập và giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2008-2020: Toàn tỉnh có 43 cơ sở thực hiện xã hội hóa, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.300 tỷ đồng, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục. Địa bàn đầu tư tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã (chiếm 62,2%) tổng số dự án xã hội hóa. Tuy nhiên, những kết quả đạt được nêu trên là còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa phát huy tiềm năng của khu vực tư nhân trong phát triển các lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Địa bàn đầu tư và lĩnh vực xã hội hoá còn hạn chế, chưa toàn diện. Nhất là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư xã hội hóa…chưa tạo được sự quan tâm đầu tư của xã hội. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025” là hết sức cần thiết, đảm bảo giải quyết các nội dung chủ yếu: Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025; Hoàn thiện cơ sở pháp lý để kêu gọi, huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường, giám định tư pháp; tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Quảng Nam và giải quyết được những tồn tại, bất cập trong triển khai chính sách khuyến khích xã hội hóa thời gian qua.

Hội nghị định hướng đại biểu tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về những vấn đề của Đề án như: Quan điểm, mục tiêu Đề án, đánh giá về thực trạng và tiềm năng phát triển, thu hút các lĩnh vực xã hội hóa trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực: giáo dục-đào tạo; dạy nghề (giáo dục nghề nghiệp); y tế; văn hóa-thể thao; môi trường; giám định tư pháp trong những năm qua; 05 nhóm giải pháp và cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa trên địa bàn tỉnh như ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi về thuế, về tín dụng và các chính sách khác…; kiến nghị, đề xuất về giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án sau khi ban hành.

Theo ông Phạm Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn đầu tư vào Quảng Nam nên rất quan tâm đến chính sách xã hội hóa của tỉnh để xây dựng phương hướng hoạt động đầu tư. Những năm qua chỉ có lĩnh vực giáo dục, y tế đã thực hiện xã hội hóa còn các lĩnh vực khác như thể thao và môi trường chưa thấy các doanh nghiệp quan tâm đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Do đó, việc xây dựng các chính sách đẩy mạnh xã hội hóa cần tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực này. Ông cho rằng thời gian miễn tiền thuê đất trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn chưa đảm bảo hấp dẫn trong thu hút đầu tư xã hội hóa như giáo dục nghề nghiệp, thể thao và môi trường, đề nghị thay đổi, điều chỉnh tăng thời hạn miễn tiền thuê đất tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn thành các mức tương ứng hợp lý để tăng tính cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, thu hút các nhà đầu tư có nguồn lực lớn.

Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tham dự và góp ý, phản biện một số nội dung trọng tâm của Đề án. Đối với lĩnh vực giáo dục cần xem xét các yếu tố về thu nhập, mức sống, xu hướng chi tiêu cho giáo dục của người dân, từ đó dự báo nhu cầu giáo dục, đặc biệt cấp mẫu giáo - mầm non, đặt trong bối cảnh sự phát triển kinh tế địa phương, các đô thị, các khu/cụm công nghiệp...Lĩnh vực dạy nghề đặt ra các nhiệm vụ giải pháp phát triển. Làm rõ hơn nhu cầu lao động, các số liệu thống kê về việc thiếu hụt nguồn lao động qua đào tạo nghề tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh, đồng thời dự báo sự phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như du lịch – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2030 để nhà đầu tư thấy được tiềm năng trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực y tế cần bổ sung các số liệu và thực trạng của lĩnh vực y tế giai đoạn 2020 -2021. Đây là giai đoạn rất quan trọng khi cả nước xuất hiện dịch bệnh Covid-19 và cả hệ thống y tế đã tập trung toàn bộ nguồn lực để chống dịch. Đây là khoảng thời gian mà hệ thống y tế bộc lộ nhiều vấn đề thực tế cho thấy những mặt đạt được và những điểm yếu, hạn chế của ngành y tế tỉnh. Đây cũng là cơ hội đề nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng và cơ hội để đầu tư vào các lĩnh vực còn hạn chế của ngành…

Bà Đinh Thị Tố Trinh- Phó Giám đốc Bệnh viện Minh Thiện cho rằng việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, đào tạo chuyên môn trong khám chữa bệnh cho đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện tư nhân là rất cần thiết; địa điểm xây dựng bệnh viện phải ở vùng đô thị, nơi đông dân cư để nhiều người dân được tiếp cận dịch vụ. Nhưng những vấn đề nêu trên vẫn chưa được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh để đẩy mạnh xã hội hóa, đề nghị tỉnh kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách làm hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hỗ trợ hệ thống bệnh viện tư nhân từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu của Nhân dân.

Kết thúc Hội nghị, ông Võ Xuân Ca khẳng định: Phản biện là một hoạt động để nắm thông tin phán ánh của nhiều chiều, sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo xây dựng nội dung Đề án đạt tính thiết thực, khả thi, áp dụng được với nhiều thành phần xã hội, trên quan điểm không buông lỏng quản lý, không để lợi dụng chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân. Ông thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu đã nhận lời mời, chuẩn bị nội dung tham gia phản biện có chất lượng, tâm huyết, nêu được những vấn đề cụ thể trong Đề án. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến chuyển đến Sở KH-ĐT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.

Đề án này dự kiến trình kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh (12/01/2022) xem xét, thông qua. Đây là một trong những Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm đến./.

Tác giả: CHÂU THỊ HẬU

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết