Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc vận động đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, người sản xuất về hàng hóa Việt Nam; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; đồng thời, từng bước khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của mình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Cuộc vận động vẫn chưa thực sự toàn diện. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên. Hoạt động đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Chất lượng, mẫu mã và giá cả nhiều hàng hóa chưa đa dạng, phong phú, chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt... ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nâng cao hon nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm, đầu tư công.
2. Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về Cuộc vận động bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, bản lĩnh, trách nhiệm của người Quảng Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của địa phương, của Việt Nam.
3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhưng không trái với quy định chung, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh phát triển và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đẹp về mẫu mã, phù hợp về giá cả. Có chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
4. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa nội địa, sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa Việt Nam... Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2021 - 2025.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam; kiểm tra, giám sát thị trường bán lẻ, nhất là việc đưa hàng gắn nhãn mác hàng Việt Nam về miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để lợi dụng lòng tin tiêu thụ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng... Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam có chất lượng, uy tín. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Vận động Nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...
6. Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; nơi có điều kiện có thể thành lập Ban vận động cấp xã. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở địa phương do cấp ủy cùng cấp ra quyết định thành lập; tùy theo đặc điểm của địa phương, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó bí thư cấp ủy hoặc ủy viên ban thường vụ cấp ủy, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.
- Tổ chức thực hiện:
1. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu hoàn thiện chính sách và tăng cường quản lý, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Chương trình này.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt Chỉ thị số 03-CT/TW và Chương trình này; chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, tuyên truyền, thông tấn, báo chí tuyên truyền về Cuộc vận động; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh định kỳ hằng năm tổ chức điều tra dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động.
3. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 03-CT/TW và Chương trình này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động; tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện; hằng năm, đánh giá kết quả, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
4. Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo, lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo kết quả việc thực hiện Chương trình này với Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
Tải văn bản tại đây: Chương trình 08-CTr/TU