Chi tiết tin

A+ | A | A-

HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026: Ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ Nhân dân trên địa bàn tỉnh

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 16:26 | 26/07/2021 Lượt xem: 5425

Vừa qua, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã ban hành 19 Nghị quyết, trong đó có 02 Nghị quyết căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh để triển khai một số cơ chế đặc thù hỗ trợ Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Thêm chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid -19

Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 22/7/2021 về hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chi phí có liên quan cho các đối tượng cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Theo nội dung được thông qua, nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng cho lao động tự do làm việc hoặc tự tạo việc làm tại  các cơ sở dịch vụ, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vui chơi, giải trí, Internet, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, rạp hát, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, quán cà phê, nhà hàng, karaoke, khu phố đi bộ, chợ đêm, dịch vụ phục vụ bãi tắm biển công cộng, các cơ sở giáo dục, đào tạo, tin học, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống hoặc làm công việc tự do... phải tạm dừng hoạt động tại các khu vực, địa điểm trên địa bàn tỉnh hoặc bị phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (trừ việc hạn chế đi lại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ); được hỗ trợ với mức 50.000 đồng/người/ngày. Số ngày được hỗ trợ là số ngày thực tế phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không quá 2.000.000 đồng/người.

Đối với các trường hợp cách ly tập trung không thuộc đối tượng quy định tại Điều 25, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định tại Mục b, Khoản 5, Điều 1, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 18/02/2021 của Chính phủ còn được ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác hỗ trợ chi phí tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày cách ly tập trung. Thời gian hỗ trợ: theo thời gian cách ly thực tế được cấp có thẩm quyền ra quyết định.

Chính sách hỗ trợ “an cư” miền núi

Sau hội nghị phản biện ngày 19/7/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành Công văn số 987/MTTQ-BTT ngày 20/7/2021 đề nghị Sở NNPTNT tỉnh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”. Sau khi nghiên cứu nội dung ý kiến phản biện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ban hành báo cáo số 210 /BC-SNN&PTNT, ngày 21/7/2021 gửi tất cả đại biểu dự họp HĐND tỉnh. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về “Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp dân cư miền núi tỉnhQuảng Nam giai đoạn 2021-2025

Từ hiệu quả thực tiễn của các địa phương khi thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 và Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND ngày 28/9/2018 của HĐND tỉnh; trước yêu cầu tiếp thêm cơ chế, chính sách giúp các địa phương miền núi ổn định dân cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Tại kỳ họp các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao với 9 nội dung hỗ trợ hộ di dời chỗ ở trên cơ sở kế thừa 7 nội dung hỗ trợ trước đó và bổ sung 02 nội dung. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa cho mỗi hộ di dời là là 125 triệu đồng, bao gồm: 150 m2 đất ở; di chuyển nhà 20 triệu đồng; san lấp nền nhà 30 triệu đồng; vật liệu làm nhà 40 triệu đồng; các hạng mục nước sinh hoạt, điện, nhà vệ sinh, đường dân sinh tối đa 20 triệu đồng. Đối với hộ chưa có đất sản xuất hoặc chưa có đủ đất sản xuất theo định mức còn được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng để khai hoang tạo quỹ đất hoặc để chuyển nhượng đất sản xuất. Dự kiến sẽ có 7.821 hộ được áp dụng chính sách trong giai đoạn 2021 - 2025 với nhu cầu kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Một số nội dung phản biện, Sở NNPTNT tỉnh tiếp thu và sẽ tiếp tục đề xuất trong Quyết định của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết, cụ thể: bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất cho người dân; nâng mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để khai hoang hoặc nhận chuyển nhượng đất sản xuất; nâng mức hỗ trợ di chuyển nhà, vật liệu làm nhà trong điều kiện khả năng cân đối nguồn từ ngân sách; lồng ghép các nguồn kinh phí vận động xã hội hóa hợp pháp từ Ủyban MTTQ Việt Nam, các cá nhân, tổ chức hảo tâm… để thực hiện Đề án. Ngoài ra, một số quy định: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chịu trách nhiệm chính, các sở, ban ngành khác chịu trách nhiệm phối hợp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện Đề án. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế gắn với vai trò quản lý hành chính đối với lĩnh vực văn hóa, y tế; môi trường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất cho người dân tại các huyện miền núi./.

Tác giả: Như Thủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết