Phát biểu khai mạc tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TNMT đề nghị các đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm dành thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định. Trong đó, tập trung nhận xét, đánh giá tổng thể về Dự thảo Nghị định; chỉnh sửa trực tiếp vào từng nội dung điều khoản cụ thể của Nghị định, bảo đảm các nội dung của Nghị định rõ ràng, dễ hiểu, thực hiện và đi vào cuộc sống; đề xuất những sáng kiến góp phần hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Nghị định về nội dung và kỹ thuật soạn thảo.
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh đã trao đổi những băn khoăn mà nội dung dự thảo đề ra: cần phải bổ sung, sửa đổi, cho phù hợp với thực tiễn hoạt động phối hợp đã triển khai công tác môi trường trong thời gian qua, cụ thể tại một số nội dung ở các Điều 3, 22, 26, 38, phu lục 32, khoản 4, điều 62 của dự thảo Nghị định. Đặc biệt, cần chi tiết rõ trách nhiệm, quản lý của các bộ, ngành và các địa phương, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân khi Nghị định được ban hành; một số nội dung quy định mới về sự tham gia của cộng đồng dân cư khi triển khai các dự án về môi trường; đánh giá chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống; tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư trong việ chung tay xây dựng môi trường sống sáng - xạnh- sạch đẹp.
Được biết, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Luật BVMT 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các TTHC vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội. Luật BVMT 2020 được thông qua với 16 chương, 171 điều; giảm 04 chương và tăng 01 điều so với Luật BVMT năm 2014.