Chiều 30.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri huyện Quế Sơn.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Quế Sơn. Ảnh: PHAN VINH
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Đại tá Lê Ngọc Hải thông tin đến cử tri những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đồng thời thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, vấn nạn ma túy trong những năm gần đây diễn biến phức tạp. Có cầu thì mới có cung nhưng các cơ quan chức năng chỉ xử lý đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ chất ma túy mà không nghiêm trị những con nghiện, như vậy sẽ khó giải quyết dứt điểm. Một vấn đề đáng quan tâm khác là giá điện trong những tháng gần đây tăng đột biến, nhiều hộ tăng gấp 3 - 4 lần.
Cử tri phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH
Cử tri cho rằng, hiện nay diện tích đất canh tác không hiệu quả do khô hạn bị bỏ hoang ở nông thôn ngày càng nhiều. Trong khi đó, các ngành, lĩnh vực khác đang cần đất để đầu tư thì Nhà nước nên nghiên cứu chuyển đổi mục đích để không bỏ phí quỹ đất. Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ chính sách dành cho người có công, các công trình đền ơn đáp nghĩa. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, chữa bệnh cho đối tượng chính sách cần được đồng bộ hơn từ tuyến cơ sở đến các tuyến trên.
Cử tri phản ánh giá điện tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Ảnh: PHAN VINH
Hội nghị còn tiếp nhận nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề tư pháp, xử lý oan sai, phòng chống tham nhũng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc đầu tư xây dựng nông thôn mới chưa được đồng bộ; triển khai gói hỗ trợ Covid-19 còn nhiều bất cập; mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách ở cấp xã vẫn còn thấp...
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, các ý kiến của cử tri huyện Quế Sơn đều nêu lên những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. “Riêng vấn đề giá điện tăng đột biến, ở những địa phương khác trên cả nước đã có trường hợp bị xử lý khi phát hiện sai phạm về thanh toán tiền điện. Đối với Quảng Nam, nếu phát hiện sai phạm tương tự thì địa phương cam kết sẽ xử lý nghiêm để mang lại công bằng cho nhân dân” - ông Phan Việt Cường nói.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: PHAN VINH
Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của cấp huyện và xã, đại biểu Phan Việt Cường đề nghị địa phương nhanh chóng giải quyết cho nhân dân. Những kiến nghị vượt ngoài thẩm quyền của tỉnh thì Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp trình Quốc hội.
Sáng 30.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri huyện Nông Sơn.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Nông Sơn. Ảnh: PHAN VINH
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Đại tá Lê Ngọc Hải thông tin đến cử tri những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đồng thời thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đến nay Việt Nam chưa có ca tử vong do dịch Covid-19.
Cử tri cũng phản ánh các vấn đề bức xúc trên địa bàn huyện như: thực trạng bồi lấp hơn 4ha diện tích đất canh tác ven sông Thu Bồn do lũ lụt vẫn chưa được cải tạo; vấn đề trồng rừng ở xã Ninh Phước ảnh hưởng đến nguồn nước chảy phục vụ sinh hoạt của người dân xã Quế Lâm.
Cử tri kiến nghị các vấn đề dân sinh đến ĐBQH. Ảnh: PHAN VINH
Bên cạnh đó, bất cập trong việc cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khiến các đơn vị y tế còn băn khoăn, gây khó khăn cho nhân dân. Tình trạng lấn chiếm, cơi nới đất rừng phòng hộ trên địa bàn Nông Sơn vẫn còn diễn biến phức tạp. Địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng những năm qua, ngành du lịch trên địa bàn huyện vẫn chưa được đầu tư mạnh.
Cử tri xã Quế Lâm phản ánh tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Ảnh: PHAN VINH
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ phấn khởi khi nhận thấy hạ tầng được đầu tư khang trang, đường sá rộng rãi, đời sống người dân Nông Sơn có nhiều thay đổi.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH
“Về các vấn đề cử tri phản ánh, yêu cầu cấp huyện và xã sớm triển khai xử lý dứt điểm, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt cho người dân. Nhà nước phải nghiên cứu thực hiện, kêu gọi xã hội hóa vào đầu tư hệ thống nước sạch cho các xã vùng sâu của huyện Nông Sơn. Ngoài ra, địa phương cũng cần triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các phương án bảo vệ rừng, nhanh chóng thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn để mang lại hiệu quả cho người dân. Về vấn đề điện chiếu sáng đường quê thì cũng cần xem xét xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời” - đồng chí Phan Việt Cường nói.
PHAN VINH
Chiều 29.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri các xã vùng đông của huyện Duy Xuyên.
Đông đảo cử tri các xã vùng đông Duy Xuyên tham gia buổi tiếp xúc với ĐBQH. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri các xã vùng đông Duy Xuyên (gồm Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Thành, Duy Vinh) những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác...
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri thắc mắc, kiến nghị các cấp về các chính sách người có công, cán bộ hưu trí, chính sách liên quan đến gói hỗ trợ xã hội 62.000 tỷ đồng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các nhóm đối tượng hỗ trợ… Vấn đề trọng tâm mà đông đảo cử tri vùng đông Duy Xuyên quan tâm, kiến nghị là những tồn tại liên quan đến chính sách hỗ trợ, giải tỏa đền bù, bồi thường, tái định cư đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn. Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc bởi giá cả đền bù, hỗ trợ được áp giá quá thấp, quá chênh lệch so với mặt bằng chung và mức sống của người dân hiện tại. Nhất là một số dự án triển khai ì ạch gần 10 năm nay đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng, vấn đề hưởng lợi của người dân trong vùng dự án còn thấp… Bên cạnh đó, khâu giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư đối với một số dự án còn chậm, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình giải đáp kiến nghị của cử tri. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình cho rằng, vùng đông Duy Xuyên đang có rất nhiều dự án triển khai, bên cạnh những mặt được, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc lớn. Trong đó, nổi cộm vẫn là vấn đề áp giá đất trong giải tỏa, đền bù từ các dự án vẫn còn thấp, chênh lệch rất lớn so với giá đất thị trường và mức sống của người dân hiện tại. “Phải nói rằng chính các dự án có vai trò thúc đẩy bộ mặt vùng đông Duy Xuyên, tạo động lực phát triển vùng, song những tồn tại, vướng mắc vẫn còn nhiều. Quan điểm của Nhà nước là áp dụng đúng luật, song cố gắng theo sát thị trường, nỗ lực đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân vùng dự án. Phải làm sao đảm bảo tối đa quyền lợi cho nhân dân và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết” - ông Phan Thái Bình nói.
Bên cạnh giải đáp một số kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết các kiến nghị còn lại sẽ được chuyển đến cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Sáng 29.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri các xã vùng A của huyện Đại Lộc.
Đông đảo cử tri các xã vùng A Đại Lộc tham dự buổi tiếp xúc với ĐBQH. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Nguyễn Quang Dũng báo cáo đến cử tri một số nội dung, kết quả quan trọng tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; thông tin một số quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác...
Tại buổi tiếp xúc, cử tri yêu cầu giải đáp những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở các xã Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Lãnh; việc thi công tuyến đường ĐT 609 từ Đại Lãnh đi Đại Hưng tiến độ bàn giao công trình còn chậm, công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công và hậu thi công chưa được chú trọng gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh) bày tỏ lo lắng trước tình trạng sạt lở sông Vu Gia, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng. Cả thôn có 24 hộ sinh sống ở khu tái định cư Gò Hiu và đang gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.
Cử tri các xã Đại Lãnh, Đại Hưng chưa hài lòng về dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa khu vực vùng A Đại Lộc; thiếu nhiều cơ số thuốc, loại thuốc tại phòng khám từ khi sáp nhập, hiện do Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc quản lý. Cử tri thôn Yều (xã Đại Hưng) kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sạch vì toàn bộ nguồn nước trong thôn hiện nhiễm phèn rất nặng. Cử tri còn kiến nghị liên quan tới việc chậm trễ trong cấp sổ đỏ, về chính sách giao đất giao rừng, cải tạo đất sản xuất do ảnh hưởng lũ lụt...
Lãnh đạo huyện Đại Lộc giải đáp một số kiến nghị của cử tri. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Giải đáp một số thắc mắc của cử tri, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, toàn huyện còn tồn đọng hơn 1.400 hồ sơ xin được cấp sổ đỏ. Trong đó nhiều hồ sơ ở các xã vùng A liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất trái thẩm quyền, tự ý chuyển đổi mục đích, khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc đất, giấy tờ liên quan từ người dân...
Vấn đề tồn tại liên quan tới cải tạo đất, ông Mẫn cho rằng, địa phương cần phải lập phương án cải tạo đất và phải do UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ (xã Đại Thắng và Đại Minh đã làm tốt). Đối với những kiến nghị trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, đường giao thông nông thôn, ông Mẫn đề nghị các địa phương có kế hoạch lập danh mục ưu tiên bố trí vốn đối với những công trình thiết yếu, trọng điểm trước; nhiều hạng mục, công trình cần mời người dân tham gia giám sát cộng đồng để phát huy quyền dân chủ ở cơ sở...
Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri; đồng thời trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, kiến nghị thuộc thẩm quyền về chế độ, chính sách cho người cao tuổi, người có công, tồn đọng trong xây dựng nông thôn mới, kiến nghị liên quan Phòng khám đa khoa khu vực vùng A, nước sạch... Ông Bình yêu cầu huyện và các xã, cơ quan, ban ngành xem xét, tháo gỡ các kiến nghị. Riêng những kiến nghị vượt thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, gửi đến đơn vị liên quan xem xét, trả lời cử tri thỏa đáng
HOÀNG LIÊn
Chiều ngày 25/6/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri huyện Tây Giang. Có gần 150 cử tri tham gia là lãnh đạo và một số cán bộ CC, VC, lực lượng vũ trang đang công tác trên địa bàn huyện, lãnh đạo các Đồn Biên phòng và đại diện cử tri của các xã trên địa bàn huyện
Tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội đã báo cáo trước cử tri kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV và thông tin một số tình hình thời sự trong nước, quốc tế và của tỉnh Quảng Nam.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, tập trung vào những lĩnh vực như:
- Đề nghị cấp Trung ương: Phân bổ nguồn vốn ODA cho Tây Giang để đầu tư các cơ sở hạ tầng khu vực biên giới giáp với Lào và để đầu tư 6km tuyến đường giao thông từ cặp cửa khẩu phụ Tây Giang đến cụm bản Tà vàng (huyện KạLừm- Lào), nhằm tăng cường giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị; Đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 14G (đoạn từ Khu du lịch Núi Thần Tài đến thị trấn P’rao, huyện Đông Giang; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đối với các xã nằm trong diện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi về đích xã Nông thôn mới; cần tiếp tục duy trì các chính sách an sinh xã hội, chế độ BHYT cho người dân , chế độ học sinh bán trú…từ 03 - 05 năm
- Đề nghị cấp Tỉnh: Có các chính sách giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học tại địa phương; có chế độ hỗ trợ hàng tháng cho các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Phan Thái Bình đã trả lời và giải đáp các kiến nghị của cử tri một cách thỏa đáng, phù hợp theo luật định. Đối với các vấn đề khác, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị lên Quốc hội tại các kỳ họp trong thời gian đến.
Kim Tuấn
Sáng ngày 25.6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri với cán bộ, nhân dân các xã Zà Hung, Arooi, Tà Lu và thị trấn Prao (huyện Đông Giang).
Mở đầu buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Đức Hải thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra.
Theo đó, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO) đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến diễn ra rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các ĐBQH và cử tri đánh giá cao.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Đông Giang kiến nghị cần có cơ chế đặc thù trong chính sách về tuyến hành lang đường bộ, bởi trên thực tế nhiều nhà dân đã xuống cấp nhưng không thể tu sửa do vướng các quy định về tuyến hành lang. Đồng thời cần sớm nâng cấp tuyến quốc lộ 14G từ TP.Đà Nẵng lên trung tâm huyện, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cũng như có chính sách đầu tư các tuyến đường sản xuất, dân sinh tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, cần rà soát toàn diện về giá tiền điện hiện nay; quan tâm giải quyết các chính sách cho người có công; việc tinh giản biên chế cấp xã gây nhiều khó khăn, do đặc thù công việc khá nhiều, địa bàn miền núi hiểm trở. Bên cạnh đó, cần xem xét nâng số tiền hỗ trợ cho cán bộ nghỉ hưu; chính sách chi trả bảo vệ môi trường rừng; chính sách bảo tồn bản sắc văn hóa miền núi...
Ghi nhận các kiến nghị của cử tri địa phương, các ĐBQH cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ và phân loại từng nội dung kiến nghị để có cơ sở chuyển đến các cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.