Chi tiết tin

A+ | A | A-

Người thầy đặc biệt nơi đảo xa

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 21:29 | 20/11/2017 Lượt xem: 7580

Thương tụi nhỏ trên đảo không được học hành, người lính biên phòng đã tình nguyện mở lớp rồi trở thành người thầy dạy chữ, dạy người cho các em suốt hơn 7 năm qua.

Thượng úy Trần Bình Phục - Ảnh: Minh Châu


Cách đất liền 35km, đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau ở vị trí khá biệt lập nên ngoài bộ đội biên phòng thì chỉ có khoảng 50 hộ dân sinh sống. “7 năm trước khi tôi ra đảo, nơi đây không điện, không nước sạch. Những hộ dân đã chọn đảo là nơi trú ngụ đều là những hộ nghèo, trẻ con hầu như chẳng đứa nào được đi học, chúng tự chơi với nhau, đứa lớn trông đứa nhỏ. Bố mẹ chúng quan niệm bọn trẻ chỉ cần biết bơi, biết câu cá hơn là biết chữ. Chữ thì không biết nhưng chửi bới, đánh nhau thì tụi nhỏ lại rất rành!”, Thượng úy Trần Bình Phục nhớ lại.

Từng trải qua tuổi thơ gian khó, thiếu thốn đủ bề, người lính biên phòng hiểu hơn ai hết chỉ có tri thức mới thay đổi được cuộc đời bọn trẻ, đưa chúng đến một chân trời mới, khác cuộc đời mà cha mẹ và chính bản thân tụi nhỏ đang nếm trải.

Vậy là bên cạnh làm tròn vai của người lính biên phòng, Trần Bình Phục đã xin phép cấp trên để anh được mở lớp học tình thương dạy chữ cho bọn trẻ. Được thủ trưởng đồng ý, đồng đội ủng hộ, lớp học trên đảo đã ra đời.

“Nói là “lớp học” nhưng thực ra lớp chỉ có thể đảm đương nhiệm vụ che mưa, che nắng cho thầy, cho trò bởi được dựng bằng những miếng gỗ và miếng tôn đã cũ. Tấm bảng phải tự chế cùng hai chiếc bàn đã qua sử dụng, tôi xin rồi mang từ đất liền ra đảo. Lớp không có quạt cũng chẳng có đèn, chỉ vỏn vẹn vài cuốn sách giáo khoa cũng chẳng còn mới”, thầy Phục kể.

Cơ sở vật chất khó khăn là thế nhưng điều đó chưa thấm tháp gì với khó khăn khi vận động phụ huynh đồng ý cho con đi học bởi “với nhiều nhà, như vậy chẳng khác gì bớt đi một lao động, học hành mất thời gian mà chẳng mang lại điều gì”, người lính mang quân hàm xanh nói.

Thế nhưng phát huy vai trò của Đội vận động quần chúng mà hiện Thượng úy Trần Bình Phục là Đội trưởng, những người chiến sỹ Đồn biên phòng Hòn Chuối đã chia nhau, mỗi người phụ trách vài hộ rồi tới từng hộ, chờ lúc người dân đi đánh bắt trở về không kể sớm, khuya để mong nhận được cái gật đầu của phụ huynh. “Dân vận khéo” lại “mưa dầm, thấm lâu” và hơn hết là cảm phục tấm lòng của người chiến sỹ vì tương lai con em mình mà mở lớp học hoàn toàn miễn phí, không đòi hỏi bất cứ điều gì nên từ lảng tránh, từ chối, thậm chí là đuổi khéo, quát mắng, các hộ dân đã bằng lòng cho con tới lớp.

Tưởng chừng mọi việc đã êm xuôi nên thầy Phục cũng chẳng thể ngờ các “nhân vật chính” còn mang đến cho thầy không ít thử thách. “Làm sao để duy trì được lớp học ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ khác nhau là một chuyện nhưng mệt nhất là làm sao để trẻ đi học đều. Những đứa trẻ vốn quen với cuộc sống thôn dã, thiếu nguyên tắc nên đến lớp ngồi chút là chán, chúng đòi về, không muốn học nữa, thậm chí có đứa thà để thầy đánh còn hơn là chịu để thầy dạy”..

Hết dỗ dành rồi bỏ tiền túi mua những món quà nhỏ ra để thưởng khi các con cố gắng, người thầy chưa từng được đào tạo nghiệp vụ sư phạm cứ kiên trì để mỗi ngày đi học với tụi nhỏ là một ngày vui, mỗi bài học lại mở ra một cánh cửa để các em bước ra thế giới bao la với biết bao điều kỳ thù mà trước khi đến lớp chúng không thể nào hình dung nổi. Lớp học giờ đã trở thành chốn đi về thân thương của 22 đứa trẻ trên đảo với 6 lớp ghép, trong đó có 2 trẻ khuyết tật.

 “Lớp học của tôi có nhiều điều đặc biệt lắm. Cùng ngồi trong lớp cả nhưng các con lại ngồi hai hướng quay lưng vào nhau, hai tấm bảng cũng được bố trí ở hai phía, được ngăn đôi dành cho 4 đối tượng và cũng để thầy kịp “chạy”. Lớp ở trên núi nên sợ tụi nhỏ thiếu quan sát lại xảy chân ngã, trước khi đứng lớp, việc làm đầu tiên là thầy xuống gành đón trò, rồi thầy trò lại cùng nhau bước 300 bậc lên lớp. Hết giờ, thầy lại cùng trò xuống núi. Những em út của lớp còn được thầy bế bồng trao tận tay cho cha mẹ”.

Thấm thoát rồi cũng 7 năm, ở tuổi ngoài 40, Thượng úy Trần Bình Phục vẫn gắn bó với đảo Hòn Chuối với vai trò thầy giáo. Học trò của thầy giờ đây không chỉ biết chữ mà nhiều em đã về đất liền tiếp tục học cao hơn, có em đã trở thành sinh viên đại học. “Tôi mở lớp ở nơi này nói là dạy chữ xóa mù cho bọn trẻ nhưng đó chỉ là mục đích ban đầu. Để rồi khi đã nhen nhóm trong tụi nhỏ niềm ham học, dạy chúng cách làm người, chúng sẽ bay xa hơn, trưởng thành rồi quay lại cống hiến cho đảo. Vì thế khi lên lớp tôi rất nghiêm khắc, uốn nắn các con từng tý một, chương trình học ở đảo cũng không thua kém đất liền để đánh giá đúng khả năng, trình độ của học trò, có như vậy các con mới tự tin bước tiếp”, thầy Phục chia sẻ.

Giờ đây, khi tiếng lành của lớp học trên đảo Hòn Chuối đã vang xa, nhiều nhà hảo tâm đã biết đến cùng góp sức xây dựng một lớp học đầy đủ, kiên cố, nhưng theo thầy Phục, “bọn trẻ vẫn thiếu sách và hơn hết là thiếu một người thầy được được đào tạo bài bản, có trình độ sư phạm, như vậy sẽ tốt cho các em hơn”.

Mang trong mình căn bệnh ung thư máu, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng hễ có khoản tiền hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ các tổ chức, cá nhân, thầy Phục lại dành cả cho học trò. Nhắc đến bọn trẻ, lúc nào đôi mắt Thượng úy Trần Bình Phục cũng lấp lánh và nụ cười luôn nở trên môi. “Người dân nơi này mộc mạc và giản dị lắm nên mấy năm trước, không ai biết ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày gì! Khi khách ra thăm đảo hỏi rồi giải thích cho bọn trẻ, chúng về nhà nói với cha mẹ rồi mang đến tặng tôi cái bánh, cái kẹo, có em thương thầy chịu nắng gió nước da đen sạm bèn xin tiền cha mẹ tặng thầy lọ sữa tắm trắng”.

Thượng úy Trần Bình Phục là một trong số 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng của 44 tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc, vượt khó vươn lên trong công tác giảng dạy, giúp đỡ các em học sinh tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được đến trường vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Thanh niên Quân đội và các đơn vị liên quan tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017./.

Tác giả: Minh Châu

Nguồn tin: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết