Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết số 27/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất. Ngoài việc tập trung huy động nguồn lực, qua các cuộc khảo sát thực tế, làm việc với Ban Chỉ đạo xoá nhà tạm ở các địa phương, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng tình với đánh giá của UBND tỉnh về số nhà tạm, nhà dột nát của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách như Chương trình 134, Chương trình 167, đến nay xuống cấp, hư hỏng thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát theo tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng, chưa được HĐND tỉnh quy định hỗ trợ tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết số 27/2024/NQHĐND cần HĐND tỉnh bổ sung để hỗ trợ thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra thực tế tại thôn 4, xã Trà Cang. Ảnh TÂM ĐAN
Báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp cho thấy, qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết số 27/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm chính trị cao, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình thực tiễn, huy động nguồn lực của tỉnh và từng địa phương.
Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân về công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, tạo cơ hội, điều kiện rất thuận lợi trong công tác vận động nguồn kinh phí thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ với số tiền lớn, đóng góp cùng với nguồn ngân sách nhà nước, đáp ứng được nhu cầu kinh phí xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo thực trạng nhà tạm, nhà dột nát của gia đình chính sách người có công, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đến hết tháng 2/2025, toàn tỉnh có trên 5.590 nhà tạm, nhà dột nát đã được xây dựng mới, sửa chữa hoàn thành đưa vào sử dụng, có địa phương đã hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát cho Nhân dân trên địa bàn, góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đáp ứng chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh tặng quà tại Lễ khởi công xây dựng nhà ông Võ Ngọc Minh (Bắc Trà My)
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác chỉ đạo điều hành ở một số địa phương chưa thực sự tập trung, quyết liệt, cụ thể, thường xuyên; chậm thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo; cơ quan thường trực, cán bộ đầu mối theo dõi, tham mưu công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát thay đổi; công tác rà soát, phê duyệt số lượng, danh sách từng nhóm đối tượng thuộc diện hỗ trợ còn chậm, thường xuyên điều chỉnh, thay đổi; công tác đóng góp vào quỹ xoá nhà tạm, nhà dột nát của một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện kịp thời, đến nay có đơn vị, địa phương chưa đóng góp; kết quả thực hiện, giải ngân còn chậm so kế hoạch; công tác thông tin, báo cáo chưa được thực hiện đúng quy định.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở một số địa phương chưa tập trung, quyết liệt, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, nắm kỹ quy định về đối tượng thuộc diện hỗ trợ để rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng kịp thời; công tác tuyên truyền, quán triệt có nơi chưa sâu rộng, cụ thể; hầu hết đối tượng thuộc diện hỗ trợ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo và tập trung chủ yếu ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nơi có điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; chi phí vận chuyển, giá nguyên, vật liệu và nhân công ở một số địa bàn miền núi cao, một số nơi thiếu đội thợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho đối tượng; một số hộ có hoàn cảnh quá khó khăn không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở, không có kinh phí gia đình để đóng góp cùng với nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vận động hỗ trợ làm nhà, một bộ phận còn ảnh hưởng sâu nặng của phong tục làm nhà như xem tuổi, chọn ngày làm nhà; cán bộ theo dõi kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn, cùng với việc triển khai đồng thời nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ trên địa bàn dẫn đến quá tải, chậm tham mưu, triển khai.
Được biết, ngoài việc bổ sung 1.792 đối tượng được hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở, Nghị quyết cũng quy định về đối tượng cho vay xoá nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn ngân sách tỉnh uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.