Ông Nguyễn Phi Hùng - PCT TT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện; những kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan góp phần bảo đảm sự cần thiết, phù hợp của dự thảo Đề án với quy định pháp luật hiện hành, nghị quyết của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính và thực tiễn ở cơ sở; bảo đảm tính khoa học, khả thi của Đề án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại hội nghị, đa số các ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết, ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, góp phần đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; giảm chi cho ngân sách nhà nước... Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập và thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Quang cảnh hội nghị
Dự thảo Đề án sắp được chuẩn bị công phu, chặt chẽ từ sớm và qua nhiều lần lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và địa phương… đặc biệt đã được tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các địa phương thuộc diện sắp xếp. Do đó, dự thảo Đề án cơ bản bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và khả thi.
Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều ý kiến đề nghị cập nhật thêm Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ) trong việc đề xuất các phương án sắp xếp cho phù hợp, nhất là các quy hoạch liên quan: quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã…
Đặc biệt cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những tác động tiêu cực trên các lĩnh vực; xác định những khó khăn, vướng mắc cơ bản, chủ yếu… để làm căn cứ đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm khắc phục những tác động tiêu cực, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trong đó, cần tập trung ra các phương án để khắc phục những tác động tiêu cực theo từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tác động về kinh tế - xã hội (bao gồm tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn) theo tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị: Chính quyền địa phương các cấp triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Đối với các phương án sắp xếp được xác định là phần nội dung quan trọng nhất của dự thảo Đề án được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo Đề án nêu ra 04 giải pháp nhưng mang nặng tính định hướng chưa đưa ra những giải pháp cụ thể tương ứng để giải quyết, khắc phục những tác động tiêu cực và những khó khăn, vướng mắc nêu ở phần trên. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Đề án các giải pháp triển khai thực hiện cụ thể theo từng lĩnh vực mà dự thảo đã nêu để khắc phục tác động tiêu cực liên quan đến đời sống, lao động sản xuất, thay đổi thông tin các giấy tờ tuỳ thân… của Nhân dân.
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị
Vấn đề kinh phí và lộ trình thực hiện cũng được sự quan tâm của đại biểu. Theo đó, Đề án đưa ra lộ trình cho năm 2024 và 2025 là chưa bảo đảm tính khả thi. Vì có những vấn đề cần thời gian lâu dài để giải quyết như xử lý tài sản công và việc sắp xếp đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra lộ trình hợp lý hơn trong khoảng thời gian 2026 đến 2029. Về kinh phí, dự thảo Đề án chưa đề cập đến khoản kinh phí Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ (toàn bộ) người dân khi thực hiện việc điều chỉnh thông tin hồ sơ, các giấy tờ tuỳ thân, hồ sơ đất đai, tài sản, thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức… bị thay đổi do sắp xếp ĐVHC. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung chi nêu trên vào dự thảo Đề án.
Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ và giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần cụ thể hơn và có quy trình chặt chẽ về rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ tại các tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị để bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực bố trí đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới. Đồng thời, đề nghị các cơ quan cấp tỉnh cùng tham gia, hỗ trợ các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ CB, CC, VC dôi dư (điều chuyển về các cơ quan của tỉnh hoặc luân chuyển sang các địa phương khác nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn).
Dự thảo Đề án cần bổ sung cho trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc tham mưu, tham gia giải quyết những tác động tiêu cực, khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, ngành phụ trách. Ví dụ: Việc cải cách thủ tục hành chính sau sáp nhập; việc tiếp cận dịch vụ công (chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ ĐVHC cũ sang ĐVHC mới); quy trình rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ, người hoạt động không chuyên trách (cấp trưởng xuống làm cấp phó…) tại các tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực; bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã, tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố…); đính chính thông tin, địa chỉ trong các giấy tờ liên quan đến đất đai, tài sản gắn liên trên đất, giấy CNQSD đất…; chuyển đổi thủ tục, giấy tờ tùy thân, tài sản, căn cước công dân… (Công an các cấp).
Sau hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo Đề án đề nghị Sở Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và quyết định./.