Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhận Cờ thi đua xuất sắc năm 2023
1. Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh
- Bám sát chủ đề năm 2023, với tinh thần chủ động, tích cực, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì 07 đoàn giám sát chuyên đề. Điểm nổi bật của hoạt động giám sát năm 2023 là tổ chức giám sát đối với việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo phản ánh, kiến nghị của công dân và việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án; chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức 634 cuộc giám sát tại 778 đơn vị, tập trung giám sát cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của chính quyền giải quyết kiến nghị của Nhân dân.
Tại cơ sở, các Ban TTND xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát hơn 280 vụ việc, phát hiện và kiến nghị xử lý 94 vụ việc có vi phạm, xử lý theo quy định. Các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát hơn 1.135 công trình, dự án, phát hiện, kiến nghị xử lý 125 công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan điều chỉnh, khắc phục.
- Cùng với hoạt động giám sát, năm 2023, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức 03 hội nghị phản biện đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho CB,CC,VC tinh giản biên chế ở các huyện, xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Chủ trì tổ chức 07 hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phần lớn các ý kiến kiến nghị sau phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh dự thảo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tổ chức 218 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh. Mặt trận tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh với với lực lượng Công an xã, thị trấn. Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức 393 “diễn đàn nhân dân” góp ý lực lượng công an, cán bộ, công chức cấp xã và tích cực phối hợp tổ chức 249 hội nghị “đối thoại trực tiếp” giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân địa phương.
- Tổ chức hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403/2017/NQLT quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh” nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH đối với công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của BCH Trung ương khóa IX. Chủ trì tổ chức 03 hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên trong hệ thống Mặt trận các cấp. Phát động hưởng ứng viết bài giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2023; mở thêm chuyên mục phát thanh “Tiếng nói người uy tín về phát triển kinh tế-xã hội miền núi”; tổ chức giải thưởng báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” trong khuôn khổ giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam thu hút 38 tác phẩm báo chí của 26 tác giả, nhóm tác giả tham gia nhằm tạo nguồn tác phẩm gửi tham gia Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
3. Tiếp tục đổi mới công tác tập hợp, đoàn kết tôn giáo và dân tộc trên địa bàn tỉnh
- Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ các tôn giáo tỉnh Quảng Nam lần thứ II năm 2023, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thu hút gần 600 diễn viên và hàng nghìn tín đồ các tôn giáo theo dõi, góp phần tăng cường hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với chức sắc, chức việc đạo Tin Lành để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của đồng bào theo đạo Tin Lành trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam tham quan, học tập tại thủ đô Hà Nội; tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng người Hoa có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì biên soạn, phát 2000 phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội miền núi, tổng hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đồng bào miền núi để phối hợp tổ chức đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Chủ động nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân và dư luận xã hội để phản ảnh, đề xuất cấp ủy, phối hợp với chính quyền kịp thời giải quyết góp phần ổn định đời sống Nhân dân.
4. Tập trung triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới
- Tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành văn bản tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”; Mặt trận các cấp chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội phân công giúp đỡ 782 hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu thoát nghèo trong năm 2023.
- Phối hợp đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” và “Quỹ cứu trợ” các cấp huy động được hơn 27 tỷ 450 triệu đồng, cùng với nguồn năm 2022 đã hỗ trợ xây dựng mới 448 nhà, sửa chữa 702 nhà cho các địa phương xóa xong nhà tạm. Tổ chức kiểm tra bảo đảm công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn quỹ vận động tại các địa phương chặt chẽ, hiệu quả.
- Tích cực phát động ủng hộ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên 01 tỷ đồng. Chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác giảm nghèo, hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội giai đoạn 2023-2027.
- Chủ trì triển khai thực hiện mô hình Khu dân cư “Vườn xanh - Nhà đẹp - Ngõ đẹp” tại thôn Linh Cang (xã Bình Phú huyện Thăng Bình) nhằm tuyên truyền vận động Nhân dân, tín đồ tôn giáo tham gia giữ gìn và xây dựng cảnh quan xanh- sạch- đẹp góp phần thực hiện khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về tiêu chí cảnh quan môi trường. Đây là một trong những công trình thi đua chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029.
5. Tổ chức sôi nổi các hoạt động tổng kết 20 năm “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, biểu dương, khen thưởng 104 tập thể có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tiếp tục được tổ chức sôi nổi ở hầu hết 1.240 khu dân cư toàn tỉnh với các lễ hội văn hóa-thể thao, hội thi cắm trại… Lãnh đạo Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các địa phương tham dự, chung vui với Nhân dân và trao tặng 84 nhà đại đoàn kết và hàng ngàn phần quà cho người nghèo, người có uy tín… góp phần tăng cường quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân.
Chủ trì, hiệp thương phân công, triển khai xây dựng mô hình, điển hình trong Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị Tọa đàm nâng cao chất lượng Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng phát sóng chuyên mục truyền hình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ký kết Chương trình phối hợp với Sở Công Thương về đẩy mạnh Cuộc vận động trong giai đoạn mới.
6. Tăng cường công tác phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm - Hội An); tổ chức điểm “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” trao tặng 05 nhà Đại đoàn kết và 160 suất quà tổng giá trị 337 triệu đồng và tặng Bằng khen cho 06 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tổng kết 10 thực hiện Chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh, đề xuất các cấp khen thưởng 70 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
7. Tập trung nâng cao năng lực hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp
- Đổi mới hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Tổ chức hội nghị triển khai và ban hành hướng dẫn công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029; tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 của Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn chuyên đề trực tuyến từ điểm cầu cấp tỉnh đến điểm cầu cấp xã hướng dẫn về công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh..
- Tiếp tục phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong tham gia công tác Mặt trận. Năm 2023, tổ chức 03 cuộc khảo sát liên quan đến tình hình thực hiện dân chủ trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện công tác kết nghĩa cụm bản giữa huyện Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam) với huyện Đắc Chưng và Kà Lừm (Sê Koong, Lào); khảo sát sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện Chương trình “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Năm 2023, phát huy hiệu quả hệ thống “Hội nghị truyền hình trực tuyến” từ điểm cầu Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến 18/18 huyện, thị xã, thành phố; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong hệ thống Mặt trận các cấp; duy trì hội nghị giao ban trực tuyến với Trung ương và 18 điểm cầu cấp huyện để trao đổi thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, phản ảnh hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
8. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức thành công hội đàm thường niên năm 2023 với Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sê Koong (Lào) và tổ chức cho Đoàn cán bộ Ủy ban Mặt trận Lào tỉnh Sê Koong tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận tại Quảng Nam.
- Đón tiếp và trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân với Đoàn đại biểu cấp cao Hiệp hội Nhân dân Singapore. Các địa phương trong tỉnh chủ trì tổ chức gặp mặt kiều bào Quảng Nam về quê đón Tết cổ truyền của dân tộc.
- Tiếp tục phương châm “Đổi mới-Thiết thực-Hiệu quả” trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả công tác Mặt trận của các địa phương. Năm 2023, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện toàn tỉnh được đánh giá: Hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.