Toàn cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2019-2024
Thưa ông đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có những bước chuẩn bị như thế nào trong công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 -2029?
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ nhằm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối chiến lược của Đảng về tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng là dịp củng cố, kiện toàn Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 18 huyện, thị xã, thành phố để triển khai hướng dẫn công tác tổ chức và chuẩn bị đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tiếp tục thực hiện phương châm “thiết thực - hiệu quả”, nội dung hướng dẫn Đại hội lần này ngắn gọn, rõ nội dung, có mẫu hóa gợi ý đề án nhân sự; báo cáo chính trị và Chương trình chi tiết Hội nghị Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Với tinh thần dân chủ, thiết thực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã giải thích cụ thể từng nội dung thảo luận của các địa phương liên quan đến những băn khoăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội như tỷ lệ Ủy viên Ủy ban tái cử, tỷ lệ Ủy viên là người ngoài Đảng; thời gian, chương trình Đại hội; việc mở rộng số lượng, thành phần tổ chức thành viên và Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp…
Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị; mở chuyên mục “Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029” trên Trang thông tin điện tử, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Đại hội của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của Tỉnh ủy Quảng Nam và các văn bản hướng dẫn có liên quan của cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ…
Đến nay, 100% huyện, thị, thành ủy đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cùng cấp.
Toàn cảnh hội nghị hướng dẫn triển khai tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam
nhiệm kỳ 2024-2029
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chuẩn bị cho công tác nhân sự nhiệm kỳ mới như thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thưa ông?
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội là chuẩn bị chu đáo công tác nhân sự, việc lựa chọn giới thiệu nhân sự tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam căn cứ tiêu chuẩn ủy viên Ủy ban và yêu cầu thực tiễn công tác Mặt trận trong giai đoạn mới; nhân sự được giới thiệu phải tiêu biểu, có uy tín, trí tuệ, đại diện một giai cấp, tầng lớp trong xã hội, dân tộc, tôn giáo hoặc một lĩnh vực, ngành nghề. Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Để đảm bảo tính kế thừa, đổi mới công tác nhân sự, tỷ lệ Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tái cử không quá 60%; ưu tiên thành viên là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu trên các lĩnh vực (đại diện tộc họ; đại diện hội đồng hương; già làng, chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo; kiều bào ở nước ngoài; cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương nghỉ hưu...) tâm huyết, tự nguyện tham gia công tác Mặt trận. Số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 không thấp hơn nhiệm kỳ 2019-2024. Trường hợp cần thiết, có thể tăng thêm nhưng không quá 10% so với số lượng ủy viên của nhiệm kỳ hiện tại.
Ông cho biết cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các các cấp trong nhiệm kỳ 2024 -2029?
Nhiệm kỳ 2024-2029, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều cơ hội và thách thức; nhiều vấn đề xã hội sẽ phát sinh đòi hỏi cả hệ thống chính trị, mà trong đó, Mặt trận Tổ quốc cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận phải tiếp tục được nâng lên đáp ứng yêu cầu đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các các cấp trong nhiệm kỳ 2024 -2029 ngoài tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ủy ban thì chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải là Ủy viên Ban Thường vụ. Đối với cấp huyện có 11 đồng chí Ủy viên ban thường vụ thì giới thiệu hiệp thương Trưởng ban dân vận cử giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Đối với cấp xã: Cấp ủy phân công ủy viên ban thường vụ cấp ủy (nơi đủ số lượng ủy viên ban thường vụ cấp ủy) hoặc cấp ủy viên tham gia và hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Đối với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã không tái cử nhiệm kỳ 2024-2029, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện quan tâm khảo sát cụ thể, báo cáo kịp thời với cấp ủy để có chủ trương hợp lý, hợp tình theo quy định của Đảng và chính sách của Nhà nước hiện hành.
Thưa ông, với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, tại Đại hội này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để phát huy vai trò của Mặt trận trong giai đoạn mới?
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức mới.
Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024 - 2029 bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phù hợp với tình hình thực tiễn; khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ trước. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Mặt trận trên cơ sở đó lựa chọn những điểm nhấn theo hướng mở rộng tập hợp khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong xã hội; tăng cường đoàn kết, tập hợp đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Quảng Nam xa quê; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động rộng khắp và có hiệu quả; phát huy dân chủ, tiếp thu sáng kiến, kiến nghị của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; củng cố xây dựng hệ thống MTTQ Việt Nam vững mạnh phát huy mạnh mẽ vai trò trách nhiệm của các tổ chức thành viên và các hội đồng tư vấn…
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kiến nghị của cử tri; chủ động, tích cực góp ý, phản biện xã hội các dự thảo chương trình, đề án, dự án... của cấp ủy, chính quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính quyền, chung tay xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam ngày càng giàu đẹp.