Chi tiết tin

A+ | A | A-

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ, NHIỆM VỤ CỦA MTTQ VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 8:32 | 16/08/2023 Lượt xem: 6323

Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải được thể hiện bằng những chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải được thể hiện bằng những chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thể hiện trên tất cả các mặt như: chỉ đạo về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về công tác tổ chức - cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; về tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả; về lãnh đạo sự phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết tại Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, tháng 11/2018 

Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trước hết cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện hiện nay. Chủ trương, đường lối, quyết định của Đảng cần MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp ý kiến thông qua những phương thức, như giới thiệu, hiệp thương, bàn bạc dân chủ, kiến nghị. Theo đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần làm cho chủ trương, đường lối, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Thông qua đối thoại dân chủ, bàn bạc, thống nhất hành động trong MTTQ Việt Nam, Đảng tổ chức thực hiện đường lối của mình thành phong trào hành động của đông đảo tầng lớp nhân dân, giành lấy sự đồng tình, ủng hộ một cách tự giác của nhân dân, MTTQ Việt Nam trở thành nơi thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.

Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải được thể hiện bằng những chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thể hiện trên tất cả các mặt như: chỉ đạo về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về công tác tổ chức - cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; về tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả; về lãnh đạo sự phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.

Việc định hướng chính trị cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được thể hiện trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của các cấp ủy về mục tiêu, phương thức hoạt động trước mắt và lâu dài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng; về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Các chủ trương, nghị quyết của Đảng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội phải đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từng tổ chức chính trị - xã hội và có tính khả thi. Vì vậy, cần nâng cao tính đúng đắn của các chủ trương, nghị quyết đó, cần điều tra, nghiên cứu thực tiễn, trước khi đề ra các chủ trương, nghị quyết về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; mở rộng dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và ý kiến của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết đó, cấp ủy cần coi trọng sơ kết, tổng kết rút ra từ những kinh nghiệm bổ ích, và nghiên cứu bổ sung những điểm mới, sửa đổi những điểm chưa hợp lý, để chủ trương, nghị quyết đúng đắn, hoàn chỉnh hơn.

Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật và có hiệu quả. Phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của mình. Có cơ chế, chính sách lãnh đạo và quản lý phù hợp với từng tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục luật hóa các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Ban Thường vụ cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo về những định hướng công tác lớn cho từng thời kỳ; về chương  trình, nội dung hoạt động hàng năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng quy định về sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ đạo đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các cơ quan chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức triển khai các chủ trương lớn của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; về công tác dân vận ở địa phương; về công tác giám sát và phản biện xã hội; cho ý kiến về công tác cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ của các tổ chức này; chỉ đạo cán bộ, ngành chức năng bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động; định kỳ hằng quý giao ban để nghe Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo kết quả hoạt động và các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước.

Chú trọng lãnh đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các cấp chính quyền cần thực hiện việc tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu kiện, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

Thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các cấp uỷ Đảng cần thực hiện nghiêm túc việc giao ban định kỳ với Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách Đảng vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định cụ thể nhiệm vụ của người đại diện tổ chức Đảng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp về công tác dân vận.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đạt kết quả, một vấn đề rất quan trọng cần quan tâm là phải xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của các tổ chức này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng tổ chức.

Bộ máy, tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần được sắp xếp lại cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cơ chế hình thành cán bộ, quy trình công tác, vấn đề tài chính... đủ để thực hiện phản biện, giám sát khả thi, đúng theo quy định của pháp luật. Cấp ủy đảng được giao thẩm quyền cần quyết liệt trong đổi mới tổ chức bộ máy, xác định, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh hiện chưa có sự thống nhất về số lượng các đầu mối tổ chức và nội dung hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Cần tập trung vào các công việc như: xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chỉ đạo các tổ chức đó cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy một cách khoa học, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng quy chế làm việc và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế đã được xây dựng.

Cùng với đó, các cấp ủy đảng định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cần có của người cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể. Đảng lựa chọn những cán bộ ưu tú của Đảng, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang làm công tác mặt trận, đoàn thể. Cán bộ mặt trận và các đoàn thể phải thực sự là người được nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, bởi tác phong và lối sống mẫu mực. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ mặt trận và đoàn thể. Đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm chọn và sử dụng đúng cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể xã hội. Khắc phục căn bản tình trạng đưa cán bộ không có năng lực, phẩm chất, khó bố trí nơi khác để về cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Cấp ủy đảng giới thiệu cho các cơ quan này bầu chọn công khai, dân chủ; các cấp ủy đảng không nên hạn chế việc tự ứng cử từ phía các tổ chức thành viên. Cần tránh việc áp đặt cán bộ làm việc trong các cơ quan của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, nhất là trong bầu cử cán bộ lãnh đạo. Các cấp ủy đảng lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên làm tốt công tác hiệp thương để chọn ra những đại biểu ưu tú đưa vào danh sách bầu cử hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của mình thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, không chỉ bằng giám sát, phản biện xã hội, mà còn thực hiện quyền làm chủ Nhà nước thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những đại biểu trong bộ máy nhà nước, những đại biểu do Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương dân chủ đề cử.

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng thiết thực, hiệu quả

Cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm vị thế, tính độc lập trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và đại diện thật sự cho quyền làm chủ của nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân trong việc ban hành quyết sách. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để góp phần làm cho đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được xác định đúng đắn, thông suốt và tạo nên sức mạnh ngay từ khi ban hành.

Trên cơ sở đường lối đúng, Nhà nước phải thể chế hóa thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những chủ trương rất đúng đắn của Đảng về mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng" phải được tiếp tục thể chế hóa để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp cùng với quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện của mình.

Để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, đối phó, xu hướng hành chính hóa trong các cơ quan dân cử và các tổ chức đại diện của nhân dân, Đảng, Nhà nước cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng chú trọng hình thức phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách. Khi trình độ dân trí ngày càng cao, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển, cho phép đa dạng hóa các hình thức tham gia của người dân trong việc ban hành và thực thi chính sách. Nhân dân có thể nêu sáng kiến, tham gia góp ý, thảo luận, tranh luận, phản biện và giám sát quá trình thực hiện theo nguyên tắc: mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân.

Để nhân dân có thể giám sát, phản biện và góp ý về các quyết sách của Đảng và Nhà nước thì việc cung cấp thông tin từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước cho nhân dân là hết sức cần thiết và trở thành chế độ cung cấp thông tin, trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trước nhân dân. Quy định số: 217-QĐ/TW ngày 12 - 12 - 2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” cần phải được triển khai nghiêm túc.

Các tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên hoạt động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là lực lượng chủ yếu có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần coi trọng xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đội ngũ đảng viên có chất lượng, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm, và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, đường lối đại đoàn kết của Đảng

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, đường lối đại đoàn kết của Đảng, trước hết cần làm cho toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ về vai trò, vị trí của củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm của hệ thống chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình, nhiệm vụ mới. Toàn hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình mới theo tinh thần mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy trước hết Đảng, Nhà nước phải ban hành các chủ trương về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các chính sách cụ thể, từ quy chế phối hợp, bố trí cán bộ đến cơ sở vật chất để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ rõ: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo". Chính vì lẽ đó, bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền,vận động, thuyết phục, giáo dục truyền thống yêu nước, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, tạo sư đồng thuận trong xã hội để phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần động viên các tầng lớp nhân dân củng cố, tăng cường khối liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp được mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để nâng cao nhận thức cần sử dụng tổng hợp các hình thức tổ chức tuyên tuyền bằng các công cụ trực quan như: Tranh cổ động, ảnh, panô, áp pích, màn hình led, chương trình phát thanh, truyền hình, sách, báo chí, phim tài liệu…; trong điều kiện mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, mạng xã hội số….đặt ra cho Mặt trận phải sử dụng các công cụ truyền thông mới, thông minh, hiện đại như tuyên truyền thông qua mạng Internet: Trang web, Facebook,Twitter, Zalo, Viber…; đồng thời, phải chú trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua hoạt động của báo cáo viên, cán bộ Mặt trận, bằng các hình thức toạ đàm, trao đổi, hội thảo, nói chuyện thời sự, kể chuyện gương người tốt, việc tốt, tiếp xúc, sinh hoạt trực tiếp với dân ở các cộng đồng dân cư tổ dân phố, thôn, làng, bản….

Trong công tác tuyên truyền của Mặt trận cần phải biết thực hiện sự phối hợp, lồng ghép các hình thức tuyên truyền tuỳ thuộc vào các chương trình cụ thể của từng quý, năm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về những nội dung đại đoàn kết toàn dân đến với các tầng lớp nhân dân tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi một người dân về công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một di sản vô giá, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong suốt 93 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Trong đó có 3 yếu tố có tính nguyên tắc bất di, bất dịch tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh, là đường lối chiến lược, động lực cơ bản của Cách mạng Việt Nam; Dân tộc Việt Nam là một, Nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi; Lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước./.


Nguồn tin: mattran.org.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết