Chi tiết tin

A+ | A | A-

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 9:25 | 02/05/2023 Lượt xem: 3981

Đồng chí Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương), sinh ngày 1/5/1923 tại làng Phương Trì, tổng Xuân Phú (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

 
Đồng chí Vũ Trọng Hoàng. Ảnh tư liệu

Rèn luyện, trưởng thành

Năm 1939, lúc mới 16 tuổi, đồng chí Vũ Trọng Hoàng đã tham gia hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đầu năm 1942, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Quế Sơn, Hội An, bị đày đi căng an trí Ly Hy, rồi nhà lao Thừa Phủ - Huế. Trong nhà lao, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, động viên anh em tù chính trị giữ vững tinh thần, tin tưởng và đoàn kết cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, đế quốc. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được trả tự do.

Ngay sau khi ra tù, đồng chí đã chủ động bắt liên lạc với tổ chức đảng và tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam. Tháng 7/1947, thực hiện chủ trương của liên Khu ủy 5 về nâng cao trình độ cho cán bộ, đồng chí được cấp trên cho đi học tập văn hóa. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 3/1952, đồng chí được bầu vào Tỉnh ủy, được phân công làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước.

Trên cương vị Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, với tác phong sâu sát, đồng chí trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình, cùng với Huyện ủy đề ra nhiều chủ trương sát đúng. Trước hết là phát động nông dân thực hiện giảm tô, giảm tức, chia ruộng công điền và vắng chủ cho nông dân nghèo; tổ chức nông dân thành các tổ vòng công, đổi công; đẩy mạnh thi đua sản xuất, chăn nuôi, thực hành tiết kiệm, làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để chống đói và nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ cho tiền tuyến và cung cấp cho các đơn vị, cơ quan đứng trên địa bàn. Mặc khác, đồng chí cùng tập thể Huyện ủy đẩy mạnh nhiệm vụ phòng gian, bảo mật, xây dựng bộ đội địa phương huyện, du kích xã, rào làng chiến đấu, đào giao thông hào, địa đạo để chống âm mưu đánh chiếm vùng tự do của giặc Pháp.

Sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được phân công làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn. Lúc bấy giờ, ở Quế Sơn hầu hết cơ sở cách mạng bị bể vỡ, đứt liên lạc với Đảng, trong khi đó nhiều cán bộ, đảng viên đi tập kết, song đồng chí vẫn không nao núng, kiên trì móc nối xây dựng lại cơ sở, hình thành bộ máy chỉ đạo khắp ba vùng thấp, trung, cao trong huyện, đồng thời vận động nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Mặc dù đây là thời kỳ cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất, song đồng chí đã không ngại gian khổ hy sinh, kiên cường trụ bám xây dựng cơ sở và lực lượng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch quyết liệt, góp phần “giữ lửa” phong trào cách mạng huyện Quế Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.

Bám sát cơ sở

Tháng 8/1959, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến cuối năm 1960, được bổ sung làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng phụ cánh nam của tỉnh, trực tiếp chỉ đạo huyện Tam Kỳ. Với nhiệm vụ được phân công, đồng chí luôn kề vai, sát cánh cùng Huyện ủy Tam Kỳ thực hiện thí điểm giải phóng Tứ Mỹ (Kỳ Sanh), điểm mở đầu cho chiến dịch mở ra ở đồng bằng khu 5 trong năm 1961.

 
Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Hữu Hồ - nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, để triển khai chủ trương của cấp trên, Huyện ủy tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để quán triệt, bàn bạc kế hoạch thực hiện. Đồng chí Vũ Trọng Hoàng luôn theo dõi và trực tiếp tham gia các cuộc họp. Đồng chí có nhiều ý kiến chỉ đạo sát đúng, sáng tạo, giúp Huyện ủy phát huy được sức mạnh tập thể với tinh thần cách mạng tấn công.

Đồng chí bám sát cơ sở chỉ đạo các đội, mũi công tác các xã tăng cường tuyên truyền, vận động để rút thanh niên từ vùng địch lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang huyện, xây dựng cơ quan, từng bước hình thành tổ chức lãnh đạo, chỉ huy thành hệ thống từ huyện xuống cơ sở. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của đồng chí Vũ Trọng Hoàng, phong trào cách mạng của huyện Tam Kỳ từng bước phục hồi và có bước phát triển mạnh mẽ.

Cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Sau nhiều năm lăn lộn, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các địa phương, tháng 3/1963 đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Trên cương vị mới, đồng chí không ngừng học hỏi, nghiên cứu và vận dụng tốt đường lối, chủ trương của Trung ương, Khu ủy 5 vào điều kiện cụ thể của địa phương, góp phần cùng với Tỉnh ủy chỉ đạo phong trào trong tỉnh một cách toàn diện trên cả ba vùng chiến lược nông thôn, đồng bằng, miền núi và đô thị, cả quân sự, chính trị và binh vận; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào quần chúng, nhất là các huyện cánh nam của tỉnh.

Tại Hội nghị Khu ủy 5 vào tháng 6/1967, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được bổ sung vào Khu ủy 5 kiêm Chính ủy Mặt trận Nam Quảng Nam. Thời gian này, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, đồng chí liên tục đi chỉ đạo, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh diệt ác phá kèm, chống địch xúc tát dồn dân, cùng với Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo quân và dân trong tỉnh hưởng ứng đợt phát động Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân lịch sử năm 1968, giáng đòn chí mạng vào bọn Mỹ - ngụy, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Sống trọn vẹn

Cuối năm 1968, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được điều về làm Phó Trưởng ban Tổ chức Khu ủy 5. Đồng chí đã cố gắng đi sâu nghiên cứu, nắm vấn đề và đã chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ của khu 5 đạt được những kết quả tốt, nhất là phát triển lực lượng cách mạng, kết nạp thêm đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tạo ra được một trong những nhân tố cơ bản để giành thắng lợi lớn trong chiến dịch xuân năm 1975 ở khu 5, góp phần nhất định vào thành quả chung của cách mạng miền Nam, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

 
Ảnh tư liệu

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đồng chí được phân công giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ năng nổ, gương mẫu, trách nhiệm với công việc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí có cuộc sống giản dị, liêm khiết, chí công vô tư; có nhiều công hiến cho công tác xây dựng Đảng, nhất là trên lĩnh vực tổ chức và cán bộ.

Năm 1983, tròn 60 năm tuổi đời với gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, do sức khỏe suy giảm, đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện, tỉnh và khu 5, đồng chí tích cực tham gia góp ý hoàn thiện lịch sử đảng bộ địa phương và các tỉnh khu 5, huyện Quế Sơn, nhất là lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 1975.

Đồng chí không quên cùng bạn bè, đồng đội thăm lại các chiến trường xưa, thăm hỏi ân cần và biết ơn những đồng bào, đồng chí đã cưu mang, nuôi giấu, đùm bọc, giúp đỡ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để mình có được như ngày hôm nay.

Sau thời gian lâm trọng bệnh, biết không thể qua khỏi, trước khi nhắm mắt, đồng chí đã dặn dò Trung tướng Nguyễn Huy Chương những lời tâm huyết: “Chương cố gắng chứng nhận cho các đồng chí bị bắt, bị tù mà chúng ta biết rõ để các đồng chí ấy không bị thiệt thòi, được hưởng quyền lợi xứng đáng với công lao đã đóng góp. Ở Quế Sơn, số cán bộ cựu trào đã đi hết rồi, chỉ còn lại tôi và cậu. Cậu cố gắng tham gia với Quế Sơn viết lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và của quân dân Quế Sơn. Chắc từng trải trường đời cậu hiểu, con người sống đã khó, sống trọn vẹn càng khó. Về hưu chưa hẳn đã xong đâu. Cuộc sống còn nhiều phức tạp lắm. Đừng chủ quan, cố giữ mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay…”.
Với những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Vũ Trọng Hoàng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 60, 50, 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tác giả: LÊ NĂNG ĐÔNG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết