Tai điểm cầu Quảng Nam, ông Nguyễn Phi Hùng và ông Lê Thái Bình- Phó Chủ tichn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh và đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố.
Theo quy định của pháp luật, trong công tác bầu cử, MTTQ Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng như: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.
Theo ông Ngô Sách Thực, thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, với mục đích nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Quá trình giám sát phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam, các thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử.
Vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực. Từ nội dung giám sát, ông Ngô Sách Thực cho rằng, kinh nghiệm bước đầu qua giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để triển khai tốt hơn hoạt động giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu những điểm khó khăn, bất cập trong triển khai các nội dung về công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Đối với Quảng Nam, ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo kết quả công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, nêu lên những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai bầu cử và đề nghị cần rút kinh nghiệm, xem xét bổ sung, sửa đổi trong công tác triển khai bầu cử ở những nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, có 7 nội dung ý kiến liên quan đến chương trình, nội dung của quy trình tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt là cấp xã chưa phù hợp với tình hình thức tế; quy định số điểm tiếp xúc cử tri đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã chưa hợp lý; quy trình, cấp cuối cùng xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri đối với người ứng cử cần phải cụ thể hơn…

Ông Nguyễn Phi hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam