Phiên bản mobile

MENU

Chi tiết tin

Dân tộc - Tôn giáo

Đảm bảo an toàn thực phẩm: Nhiều việc phải làm

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 14:59 | 28/09 Lượt xem: 15909

Các cơ quan, ngành chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh thực trạng thực phẩm không an toàn trên thị trường.

Cuối tuần qua, ngành chức năng thanh tra, kiểm tra ATTP ở huyện Duy Xuyên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
     Cuối tuần qua, ngành chức năng thanh tra, kiểm tra ATTP ở huyện Duy Xuyên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều sai phạm

Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, ngành chức năng đã và đang khẩn trương kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và nguyên liệu làm bánh trung thu để bảo vệ ngươi tiêu dùng. Trong đó, chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng; sẽ xử lý mạnh để đủ sức răn đe nếu phát hiện vi phạm.

Cuối tuần qua, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) do Sở Công Thương dẫn đầu đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh của tiệm bánh Yuki (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Cụ thể, người lao động của tiệm bánh có thực hiện khám sức khỏe định kỳ nhưng không đầy đủ; không có bảo hộ trong quá trình sản xuất bánh. Tiệm bánh đã kiểm nghiệm các mẫu bánh nhưng chưa có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Đáng nói hơn, khu vực sơ chế các loại bánh không đảm bảo vệ sinh. Chủ tiệm bánh Yuki đã không xuất đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu chế biến bánh. Kho bảo quản nguyên liệu và phụ gia làm bánh sắp xếp lộn xộn; nguyên liệu được bảo quản không đúng cách. Đoàn công tác đã lập biên bản, yêu cầu tiệm bánh Yuki khắc phục các sai phạm nói trên và giao đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện Duy Xuyên giám sát, xử lý nếu tiệm bánh còn mắc lỗi trong thời gian đến.

Tại TP.Hội An, kiểm tra Công ty TNHH Bánh Đồng Thuận (phường Cửa Đại), đoàn công tác phát hiện cơ sở này không có chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Khu vực kinh doanh các loại bánh của công ty có côn trùng gây hại, nhiều bụi bẩn, trần nhà nhiều mạng nhện, tường ẩm mốc. Các loại tủ, kệ, dụng cụ dùng làm bánh không đảm bảo vệ sinh. Người lao động không có bảo hộ lao động khi sản xuất bánh.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, qua thanh tra, kiểm tra ở các địa phương cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Qua nhắc nhở, tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm, hy vọng sẽ chấn chỉnh, dần dần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào nền nếp. “Hoạt động thanh tra, kiểm tra của chúng tôi đi vào trọng tâm, trọng điểm, ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hướng đến nhắc nhở người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ trong sử dụng thực phẩm an toàn” - ông Lâm nói.

Cần đồng bộ giải pháp

Ông Đặng Hữu Phúc - Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP huyện Duy Xuyên cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của huyện đã xác nhận kiến thức ATTP cho 7 cá nhân của 4 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm trên địa bàn; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản. Cùng với đó, có quyết định dừng hoạt động 1 cơ sở chế biến mỡ động vật không đảm bảo ATTP. Tuy vậy, nhìn chung, công tác quản lý ATTP trên địa bàn còn bất cập. Nguồn nhân lực quản lý ATTP kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn nên còn gặp nhiều khó khăn. Ở khu vực xã phường, chưa có cán bộ chuyên trách ATTP. Trong khi đó, bộ phận không nhỏ người dân còn chưa thực sự quan tâm đến ATTP. Do đó, địa phương cần thêm thời gian, nhân lực, vật lực để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Theo Ban chỉ đạo ATTP Quảng Nam, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Các ngành chức năng tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, cơ sở dịch vụ phục vụ đồ ăn chay, bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mặt khác, yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận, cam kết ATTP và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm. Cùng với đó, tập trung xây dựng các mô hình điểm, chuyên đề về ATTP; phát triển vùng sản xuất an toàn, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP, không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước, bản thân người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức, thói quen trong việc mua và sử dụng thực phẩm. Bởi qua khảo sát cho thấy, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm, đa số chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để kiểm chứng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

 VIỆT NGUYỄN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tên Video
* CM 05.4.24
* CN 15.3.24

LIÊN KẾT WEB

select