Phiên bản mobile

MENU

Chi tiết tin

Dân tộc - Tôn giáo

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH QUẢNG NAM: TĂNG CƯỜNG TẬP HỢP, ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 5:41 | 30/09 Lượt xem: 17794

Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc, xác định: “Tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc”.


Ông Nguyễn Phi Hùng - PCT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III/2019

Quán triệt và thực hiện quan điểm trên, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam đã tích cực tham gia góp ý, xây dựng và phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện thành công 02 dự thảo đề án quan trọng của tỉnh liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc như: “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2021”, “Đề án chính sách giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2021”, Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2021”. Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện miền núi chủ động tham gia góp ý, phản biện hàng trăm dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp liên quan đến đời sống đồng bào các dân tộc tại địa phương.

MTTQ Việt Nam các địa phương không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc: thành lập các “Tổ công tác” trực tiếp đến từng thôn, nóc để gặp gỡ, thăm hỏi, tuyên truyền từng hộ gia đình; phát huy vai trò 400 vị già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc tham gia tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, động viên đồng bào các dân tộc hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua của địa phương; tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Định kỳ hằng năm, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư chủ trì tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tăng cường sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tập hợp rộng rãi và tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, phát huy quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc tham gia các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu chọn 1.233 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; giới thiệu để Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp hiệp thương cử gần 2.000 vị tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp nhiệm kỳ 2019-2024; nhiều nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu của các dân tộc tham gia các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Thông qua các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu, người uy tín… MTTQ Việt Nam các cấp tập trung vận động đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” gắn với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Lễ hội mừng lúa mới, múa cồng chiêng, kết nghĩa; nói lý, hát lý, dựng cây nêu..., từng bước hạn chế các hủ tục lạc hậu; mê tín dị đoan; tham gia phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn.

Xác định hoạt động giám sát là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam góp phần đảm bảo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc được thực thi hiệu quả. Theo đó, trong 05 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương chủ trì và phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp và các cơ quan liên quan tổ chức hàng trăm cuộc giám sát chuyên đề về chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ thực hiệntốt hoạt động giám sát đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn miền núi. Qua giám sát phát hiện những thiếu sót, vướng mắc, bất cập liên quan đến đường lối, chính sách, kiến nghị chính quyền, các ngành chức năng giải quyết, khắc phục để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Nhờ tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; tập hợp, đoàn kết; giám sát, phản biện xã hội; phát huy dân chủ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… nên khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được giữ vững; phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên bất lợi, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn… gây nhiều khó khăn cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa vững chắc; trình độ dân trí còn thấp; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ và đồng bào các dân tộc vẫn còn phổ biến. Vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp xã ở nhiều địa phương còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các dân tộc chưa thật hiệu quả. Năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân tộc của đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư còn nhiều hạn chế...

Để tiếp tục tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tập quán, đối tượng từng dân tộc, từng địa phương. Qua đó phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc, hạn chế tư tưởng ỷ lại, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò người uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng; động viên đồng bào tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; biểu dương, tôn vinh “người uy tín tiêu biểu” trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua tại địa phương.

Thứ ba, MTTQVN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi; khuyến khích thoát nghèo bền vững. Đồng thời, thường xuyên tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên.

Thứ tư, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác dân tộc. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; vận động, tập hợp nhân dân; phát huy vai trò tự quản của đồng bào ở cơ sở; tăng cường hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Thứ năm, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Tập trung giám sát các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Chủ động góp ý hoặc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền liên quan đến đời sống của đồng bào các dân tộc.

Thứ sáu, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc để kịp thời phản ảnh với các cấp ủy Đảng, chính quyền về những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc tại địa phương.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nên trên với phương châm “Chân thành, tích cực, kiên trì, thận trọng, chắc chắn”, lấy vận động, thuyết phục là chính chắc chắc hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến./.

Tác giả: HK

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tên Video
* CM 05.4.24
* CN 15.3.24

LIÊN KẾT WEB

select