Phiên bản mobile

MENU

Chi tiết tin

Dân tộc - Tôn giáo

Những điều ước của doanh nhân

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 17:01 | 14/10 Lượt xem: 21725

Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu thiếu một lớp doanh nhân đầy tâm huyết và trách nhiệm? Nhưng họ cần gì khi trách nhiệm xã hội của doanh nhân như một dòng sông không yên tĩnh? Xã hội rất cần những con người mang theo khát vọng mới - khát vọng tranh đua cùng thế giới.

Sự ủng hộ của xã hội và cả hệ thống chính trị, từ thể chế đồng bộ, minh bạch, các chính sách khả thi và hiệu lực… chính là cơ hội để giới doanh nghiệp và doanh nhân định hình vị thế của Quảng Nam trên bản đồ thương giới Việt Nam.

Tôn vinh doanh nghiệp doanh nhân là sự ghi nhận của chính quyền về công sức của cộng đồng kinh tế này.Ảnh: T.D
Tôn vinh doanh nghiệp doanh nhân là sự ghi nhận của chính quyền về công sức của cộng đồng kinh tế này.Ảnh: T.D

Kể từ năm 2004, “thân phận” những  người sản xuất, kinh doanh đã được ghi nhận thông qua một ngày kỷ niệm Doanh nhân Việt Nam 13.10. Cũng ngần ấy năm tinh thần doanh nhân luôn được thử thách, đương đầu với khó khăn để chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đến thành công, cho dẫu nợ nần, phá sản… đều có thể xảy ra trên thương trường trước khi một thương hiệu được hình thành.

Không có một công thức thành đạt chung cho tất cả doanh nghiệp và doanh nhân. Nhưng chọn con đường nào cũng là một cuộc chơi cân não, chỉ dành cho những ai đủ tài trí, sức chịu đựng, năng lực, sự thức thời và thái độ dũng cảm đương đầu với thử thách. Doanh nghiệp chính là vận mạng của họ trong cuộc đánh cược trên thương trường khốc liệt. Không phải bao giờ cũng trải đầy hoa hồng, nụ cười mà cả những giọt nước mắt mặn chát sau những quyết định sai lầm hay đón trượt thời cơ. Sân chơi toàn cầu không có chỗ cho sự ỷ lại, dựa dẫm hoặc những kiểu làm ăn chụp giật, móc ngoặc, “đi đêm”. Các hoạt động kinh thương đều được điều chỉnh bởi luật pháp quốc gia và quốc tế; hàng rào thuế quan được dỡ bỏ; sự thiếu hiểu biết hoặc tư duy kiểu cũ sẽ tự hủy hoại mình… đã buộc các doanh nghiệp, doanh nhân phải luôn tự làm mới mình, sống chân chính phù hợp với đạo lý, văn hóa và pháp luật.

Kinh nghiệm cho thấy chưa một quốc gia hay vùng miền nào trên thế giới có thể phát triển mà thiếu vắng các nhà công nghiệp hay doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao với những sản phẩm làm nên thương hiệu. Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu thiếu một lớp doanh nhân đầy tâm huyết và trách nhiệm? Nhưng họ cần gì khi trách nhiệm xã hội của doanh nhân như một dòng sông không yên tĩnh? Xã hội rất cần những con người mang theo khát vọng mới - khát vọng tranh đua cùng thế giới. Sự ủng hộ của xã hội và cả hệ thống chính trị, từ thể chế đồng bộ, minh bạch, các chính sách khả thi và hiệu lực… chính là cơ hội để giới doanh nghiệp và doanh nhân định hình vị thế của Quảng Nam trên bản đồ thương giới Việt Nam.

Có thể ví kinh doanh của doanh nhân Quảng Nam như một cuộc hành trình - “Một cuộc hành trình ngàn dặm phải bắt đầu bằng những bước nhỏ” và như một cây trồng chờ ngày phát triển. Những doanh nhân có mặt trên trang báo này không đại diện cho cộng đồng doanh nhân - nhà doanh nghiệp của hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Nam, mà chỉ là một góc nhìn về tinh thần kinh doanh hay ngày doanh nhân.

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An: “Sự tôn trọng sẽ tạo niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo”

Các nghị quyết Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh hay các kế hoạch hành động của chính quyền địa phương đã thổi một luồng gió mới vào tinh thần kinh doanh của giới doanh nhân. Sự tôn trọng của cộng đồng chính là cơ sở để doanh nghiệp đầu tư niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo ngày càng được gia tăng. Nếu các cơ quan, ban ngành thực thi đúng tinh thần của một “Chính quyền phục vụ”, sẽ tạo ra cú hích lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh và tinh thần kinh doanh của doanh nhân sẽ không bao giờ bị bào mòn. Những quyết định từ Chính phủ, chính quyền địa phương đã giúp doanh nghiệp cảm thấy yên tâm, không còn thấy bất an trong việc mở rộng, phát triển sản xuất, không còn lo ngại về những rủi ro pháp lý không đáng có.

Những doanh nghiệp, doanh nhân có nền tảng sẽ dễ tìm thấy cơ hội từ thị trường. Tiềm lực về tài chính sẽ giúp họ chủ động lựa chọn kế hoạch đầu tư hay mở rộng phân khúc thị trường, linh hoạt chiến lược kinh doanh. Thực tế, xu thế phát triển đã buộc địa phương phải nhìn thấy những điểm yếu để thay đổi. Nếu không có định hướng mở rộng thêm các dịch vụ, thị trường, chỉ nghĩ tới Hội An, Mỹ Sơn, biển đảo… sẽ rất nghèo nàn. Nếu vậy, thương hiệu di sản rồi sẽ dần nhạt phai và khó có thể trở thành một thương hiệu lớn. Nhưng cái chính là ai sẽ tạo ra sản phẩm tốt, kết nối các sản phẩm ấy và quảng bá hữu hiệu để các sản phẩm Quảng Nam trở thành một thương hiệu mạnh?

Mọi quyết định, chiến lược đầu tư chất lượng cơ sở phục vụ hay con người… cũng khó đưa đến thành công cho một doanh nghiệp hay doanh nhân nếu như không nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhờ vào thương hiệu địa phương, được “hưởng lợi” trên cái nền di sản. Còn doanh nhân, doanh nghiệp, tự phải biết sẽ làm gì cho xã hội. Một doanh nhân thành đạt, một doanh nghiệp uy tín không chỉ biết kiếm tiền, mục tiêu đạt được mà cái chính là tạo ra sự mới mẻ, lợi ích gì cho cộng đồng mới là điều quan trọng hàng đầu.

Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam của Chính phủ đã thực sự tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc này như một lời hiệu triệu, tạo niềm tin vào doanh nghiệp, lực lượng tiên phong phát triển kinh tế. Nhưng có lẽ cũng cần đến việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bộ máy công chức. Bởi không ai có thể giám sát đúng, kịp thời bằng nhân dân, bằng dư luận và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Linh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc: “Cần hành lang pháp lý và không gian kinh doanh đủ rộng”

Kinh doanh là một việc rất khó dù ở quy mô hay lĩnh vực nào. Những yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ tác động lên từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp biết khó khăn đó liên quan đến chính sách, quy định của cấp quốc gia nên khó lòng cơ quan quản lý cấp tỉnh có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những chính sách cụ thể, đơn giản hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tham gia thị trường thế giới một cách đơn giản và nhanh chóng.

Doanh nhân không phải kinh doanh chỉ vì mình, vì nếu vậy họ không cần vất vả đến thế. Một định kiến có thể làm cộng đồng doanh nhân nhụt chí. Thực tế, bất cứ một doanh nhân nào cũng có một ước mơ đơn giản đầu tiên là làm sao sản phẩm của doanh nghiệp mình đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng. Ước sức lan tỏa, sự ảnh hưởng đối với xã hội từ góc độ nghệ thuật, văn hóa vùng đất, xứ sở thông qua sản phẩm. Điều này cũng thể hiện và chứng tỏ sự lớn mạnh của doanh nghiệp, sự ổn định của môi trường lao động tiến bộ, hiện đại cho những người lao động tham gia.

Thiếu tinh thần kinh doanh, thiếu khát vọng sẽ không thể đưa doanh nghiệp tiến xa. Thương giới luôn kỳ vọng vào sự thay đổi của cơ chế, chính sách. Họ rất cần một Chính phủ kiến tạo, định hướng tân tiến, đúng hướng và hành động tích cực, gương mẫu thì mới có thể tạo ra nền tảng một xã hội phát triển. Doanh nhân không ước mình được xướng danh, mà ước không phải nghe những lời giao đãi, ước không nghe thêm những chính sách ưu đãi nhưng ít hiện thực hóa. Chỉ xin ước một điều luôn có một hành lang pháp lý thông thoáng, mạnh mẽ và không gian đủ rộng để doanh nhân làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của một doanh nghiệp. Hãy giúp doanh nghiệp, doanh nhân một không gian cởi mở theo quy luật vận hành của thị trường. Hãy để yên phận sự làm ăn, tạo ra của cải cho xã hội là của doanh nghiệp, doanh nhân. Một khi đã thượng tôn pháp luật, chuyến xe đời của doanh nghiệp sẽ nhẹ nhàng và chạy nhanh hơn. Nếu có lúc nào đó nghĩ đến chuyện phải rời bỏ thị trường, không phải doanh nhân đã nản lòng hay không trụ nổi với khó khăn. Mà đó chỉ là một cách lựa chọn cho cuộc sống, cách sống của riêng mình.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn CO.OP Tam Kỳ: “Cần nền kinh tế địa phương tăng trưởng mạnh”

Xác định kinh tế tư nhân là động lực nền kinh tế, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển… là những thông điệp quan trọng từ Chính phủ. Những thông điệp ấy đã tạo sự đồng thuận rất cao trong dư luận. Nhưng cộng đồng doanh nhân quan tâm nhất là sự thể hiện trên thực tế, biến lời nói thành hành động để tạo ra chuyển biến thực sự. Trách nhiệm hay ước muốn hàng đầu của doanh nhân, doanh nghiệp chính là sự thực hiện đúng cam kết với khách hàng bằng chính chất lượng của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Làm đúng, đủ các thỏa ước lao động tập thể đã ký kết với người lao động hàng năm. Xác định thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế là cách thể hiện văn hóa của doanh nghiệp, doanh nhân và chia sẻ gắn kết khách hàng qua các hoạt động xã hội, từ thiện văn hóa, thể thao.

Chính quyền và cơ quan quản lý đã hỗ trợ rất nhiều. Doanh nghiệp không gặp bất kỳ khó khăn nào từ phía các cơ quan quản lý mà còn nhận được rất nhiều sự ủng hộ và khích lệ. Gần như, những yêu cầu hay kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp đã được chính quyền đáp ứng. Những khó khăn doanh nghiệp gặp không đến từ sự điều hành hay quản lý từ các cơ quan công quyền mà chính từ thị trường với các nhu cầu cạnh tranh khác nhau và nhất là sự thiếu hụt về lao động. Doanh nghiệp không thể quyết định được sự bùng nổ của thị trường hay các dự án đầu tư, nên sự quan tâm và mong muốn nhất chính là việc đẩy nhanh tăng trưởng của nền kinh tế địa phương, làm thế nào để thu hút, phát sinh thêm nhiều dự án về thương mại, du lịch… để tạo ra nhiều thu nhập hơn cho người dân, tạo kích thích đầu tư, mua sắm và tiêu dùng nhiều hơn.

Hiện tại, thủ phủ Quảng Nam vẫn chưa thực sự trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế, chưa đủ độ hấp dẫn du khách hay thị trường mua sắm… Một khi chính sách thuận lợi, môi trường đầu tư tốt, chắc chắn Quảng Nam sẽ có thêm nhiều dự án, dân chúng sẽ có thêm nhiều lựa chọn trên thị trường mỗi ngày mỗi sinh động hơn. Có thể sự xuất hiện nhiều trung tâm thương mại sẽ giúp thị trường trở nên đa dạng hơn và cuộc cạnh tranh ngày sẽ mạnh hơn. Có thể doanh nghiệp sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng sức sống của một đô thị quan trọng hơn để mỗi doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra bản lĩnh, sức mạnh để tham dự vào cuộc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch của thị trường.

Ông Trần Minh Thế - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thái Bình: “Ước gì quay ngược thời gian”

Tôi tìm đến kinh doanh không phải là một quyết định nhất thời mà đã trải qua hết 20 năm làm thuê đủ các loại ngành nghề, đủ loại hình doanh nghiệp. Nhưng tôi tin là có cơ duyên khi đến đâu cũng được các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Có lẽ chính động cơ nghĩ thật, làm thật nên đã gặp khá nhiều thuận lợi.

Điều lo lắng nhất của người chủ doanh nghiệp chính là không dễ tính toán được sự trồi sụt của thị trường. Nhưng lại mong muốn mở rộng thị trường để tìm kiếm việc làm thường xuyên cho hơn 200 công nhân đã gắn bó doanh nghiệp từ 14 năm nay. Ngoài kinh nghiệm, toan tính chiến lược thì muốn phát triển kinh doanh lâu dài cần lực lượng đủ lớn nhưng khó có thể thực hiện được. Cái khó không đến từ năng lực quản trị, vốn mà chính là thiếu hụt nguồn lực lao động khi không thể cạnh tranh nổi với các nhà máy, doanh nghiệp lớn.

Sự thành công chính là sản phẩm công ty được khách hàng tín nhiệm, sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động suôn sẻ. Nhiều khi không tưởng tượng được sự lớn mạnh của công ty khi ngày đầu khởi nghiệp. Kinh nghiệm rút ra từ sự vận động này là kiên quyết theo đuổi mục đích và con đường mình đã chọn. Điều tâm niệm mỗi ngày, mỗi thời gian, giai đoạn phải có thêm những sản phẩm mới. Hãy nhớ vì sao mình bắt đầu và không muốn dừng lại. Một khi đã ra sản xuất kinh doanh, hình dung như một cuộc chạy đua chưa bao giờ có đích cuối cùng. Không bao giờ muốn dừng lại như một nghiệp dĩ. Lúc nào cũng muốn mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất và đa dạng sản phẩm. Mong ước thời gian quay ngược lại. Nếu còn trẻ, khoảng 40 tuổi thôi sẽ bung thêm các nhà máy, mở rộng thị trường lên tận Tây Nguyên. Bởi mọi cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp đã thực sự thông thoáng, chỉ còn chờ ở nội lực và khát vọng của mỗi doanh nhân sẽ mang đến nhiều đột phá hơn cho nền kinh tế. Kinh doanh có thể gặp bất kỳ khó khăn hay tai ương trên thị trường, thậm chí không loại trừ cả việc phá sản, nhưng không thể không hy vọng, không thể không nuôi dưỡng về khát vọng đổi thay và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An:“Tinh thần kinh doanh vẫn mạnh”

Kinh doanh hiện tại không dễ. Doanh nhân thời nào cũng vất vả, gặp nhiều sóng gió. Không ai dám nói mình là một doanh nghiệp mạnh hay doanh nhân thành đạt vì lằn ranh giữa thành công hay phá sản đôi khi rất mong manh. Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của những doanh nghiệp, doanh nhân phụng sự cho sự phát triển công bằng, văn minh. Họ phải sống thật và kinh doanh tử tế. Song câu chuyện khởi nghiệp chỉ mới bắt đầu. Không chỉ cần sự hỗ trợ thực chất, khách quan từ cơ quan công quyền và cả truyền thông có cái nhìn khách quan, trung thực hơn về giới doanh nghiệp, doanh nhân.

Những nghị quyết Chính phủ, kế hoạch hành động và năng lực điều hành của chính quyền đã giải quyết đa số nguyện vọng và là tín hiệu vui cho doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng họ vẫn chờ đợi lớn hơn về sức mạnh thực thi nghị quyết và giám sát thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Không gian cho doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Nam phát triển cần chính quyền sớm có cơ chế hỗ trợ một cách cụ thể. Có thể cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế hỗ trợ để sự liên kết của các doanh nghiệp, ưu tiên cho những doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội, lợi ích kinh tế được phân bổ một cách công bằng đến những người hưởng lợi và cộng đồng. Sớm cải cách hành chính một cách mạnh mẽ bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói, chỉ thị hay văn bản và chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân cần một chính quyền văn minh. Một chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, trở thành một mắt xích cùng doanh nhân tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chứ không chỉ là một chính quyền chỉ làm vai trò “bà đỡ”.

Đó là ước vọng lớn nhất có thể hiểu được trong hiện tại. Bởi vai trò kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp thông qua môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện nhiều hơn trước, nhưng cũng chỉ mới dừng ở cấp tỉnh. Sức lan tỏa đến các sở, ngành, địa phương xuống từng nhân viên hành chính vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Doanh nghiệp, doanh nhân muốn và cần ở chính quyền, cơ quan quản lý về sự minh bạch, về cơ chế, thời gian thực thi những cam kết của một chính quyền phục vụ.

Tinh thần kinh doanh vẫn chảy trong mọi doanh nghiệp, doanh nhân. Chỉ có điều họ phải dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng được thương hiệu quốc gia hay quốc tế. Tự mỗi doanh nghiệp phải tạo dựng hình ảnh, hiểu nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong bán hàng là phải tái đầu tư cho cộng đồng. Nếu doanh nghiệp nào quên điều đó đi thì sẽ không thể nào có sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thì sức lan tỏa còn mạnh hơn là sự quảng cáo cho những mục tiêu ngắn hạn. Đừng chỉ nghĩ đơn giản xây dựng thương hiệu trên những hình thức PR hay tài trợ vì đó chỉ là những show diễn nhất thời, sớm muộn gì cũng sẽ bị quên lãng. Nền kinh tế bền vững chính là nhờ được ấp ủ từ niềm đam mê khát vọng và hiểu được chính công việc mình đang làm. Thời gian và giá trị của thương phẩm sẽ trở nên hấp dẫn, nên hãy bắt đầu xây dựng truyền thống, khuyến khích tinh thần kỹ nghệ, tinh thần lập nghiệp và bảo tồn cơ nghiệp… và làm nó trở thành tên tuổi. Đó là trách nhiệm của doanh nhân.

TRỊNH DŨNG

Tác giả: HK

Nguồn tin: baoquangnam.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tên Video
* CM 05.4.24
* CN 15.3.24

LIÊN KẾT WEB

select