Phiên bản mobile

MENU

Chi tiết tin

Tuyên truyền - Đối ngoại nhân dân

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 14:00 | 06/01 Lượt xem: 6032

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng lên cao nên hàng giả, hàng nhái được dịp “nở rộ” trên thị trường Quảng Nam.

Túi xách “vàng thau lẫn lộn”, nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Túi xách “vàng thau lẫn lộn”, nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tràn lan

Dọc theo đường Bạch Đằng, phía bên ngoài chợ Tam Kỳ vào những ngày này, các loại giày dép, quần áo, túi xách, đồng hồ... được bày bán tràn lan. Sẽ không có gì đáng nói nếu các loại hàng hóa nói trên có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, bán với giá niêm yết và phải chăng.

Khi chúng tôi hỏi mua chiếc kính có dán nhãn hiệu Gucci, người bán hàng rao giá 120 nghìn đồng, sau đó hạ giá còn 60 nghìn đồng. Khi được hỏi, kính Gucci là thương hiệu thời trang lớn sao có giá rẻ, anh Tảo - người bán hàng cho biết, đây chỉ là hàng nhái thôi chứ bán hàng rong thì làm sao có vốn để kinh doanh hàng thật được. “Thấy mấy ông quản lý thị trường thì mình đi chỗ khác bán. Rất dễ thu xếp vì hàng hóa được bố trí ngay trên xe máy. Vụ tết này hy vọng bán được nhiều hàng để đón tết đầy đủ” - anh Tảo nói.

Chúng tôi tiếp tục hỏi mua các loại quần áo, giày dép, túi xách nhái các nhãn thời trang nổi tiếng như Chanel, Prada, Armani, Fendi cũng ở đường Bạch Đằng thì được các chị bán hàng bảo giá rất “mềm”, từ 150 - 200 nghìn đồng/sản phẩm. “Có cầu thì có cung. Người dân rất chuộng thời trang giả các thương hiệu nổi tiếng vì mẫu mã đẹp lại rẻ. Bán tháng tết này dự kiến thu được hơn 10 triệu đồng” - chị Thảo (một người bán hàng) nói.

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam, nhu cầu lưu thông hàng hóa và sức tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng mạnh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đây là cơ hội để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, đáng quan ngại là các loại hàng hóa giả mạo như bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo, thực phẩm nói chung.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, trong năm 2019, qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý 13 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, tổng số tiền xử phạt là 86 triệu đồng. Ngoài ra còn tịch thu 181 ba lô, túi xách các loại, 232 đồng hồ đeo tay các loại, trị giá hơn 70 triệu đồng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vào cuộc

Trong năm 2019, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã tiến hành 3.072 vụ thanh tra, kiểm tra, quản lý, kiểm soát thị trường. Tổng số tiền nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu gần 4,7 tỷ đồng.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, các loại hàng giả, hàng nhái là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, kính đeo, túi xách hiện có mặt khá nhiều trên thị trường Quảng Nam. Tuy nhiên, rất khó xử lý triệt để nếu ngành chức năng đơn thương độc mã vào cuộc. Bởi vậy, các thương hiệu thời trang lớn cần có đơn gửi đến kèm theo các hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ để ngành chức năng đối chiếu, có cơ sở xử lý.

“Hiện tại, chúng tôi đang yêu cầu chủ quầy hàng bán các loại thời trang ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phải có cam kết bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có niêm yết giá, đặc biệt là không bán hàng nhái, hàng giả. Sau khi có cam kết chừng 3 - 6 tháng, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt nặng để đủ sức răng đe, đưa kinh doanh hàng hóa đi vào nền nếp, chuyên nghiệp” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

Theo Sở Công Thương, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đem lại lợi nhuận cao nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bất chấp quy định. Ngược lại, người tiêu dùng bị thiệt thòi, dùng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng với giá cả cao hơn giá trị thật của hàng hóa. Với hàng giả, hàng nhái, sẽ có cạnh tranh thiếu công bằng với hàng hóa thật, hàng hóa chất lượng được đầu tư kỹ lưỡng.

Sở Công Thương đề xuất các cơ quan, địa phương và lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ hơn, áp dụng biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý triệt để nạn hàng giả, hàng nhái. Khi tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì cần cung cấp công khai thông tin sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết, tránh mua hàng rởm. Bên cạnh đó, nên quy trách nhiệm cho từng địa phương xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái để hạn chế dần dần.

Ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, đang là cao điểm buôn bán, kinh doanh của cả năm nên ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường. Các lực lượng quản lý thị trường ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đã năng nổ vào cuộc, triển khai ở giờ hành chính, ngày nghỉ và ngoài giờ. Khi có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm. Hiện nay, lượng hàng hóa đưa về tỉnh dự trữ để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rất lớn, lực lượng quản lý thị trường siết chặt quản lý ngay từ đầu vào, trên tất cả tuyến đường thủy, đường bộ, đường sắt. Bởi, kiểm tra tốt đầu vào sẽ hạn chế hàng hóa gian lận xuống cơ sở.

 VIỆT NGUYỄN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tên Video
* CM 05.4.24
* CN 15.3.24

LIÊN KẾT WEB

select