Phiên bản mobile

Mode:         
PHÁT HUY Ý CHÍ VÀ SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC KẾT HỢP VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI ĐỂ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA!
MENU

Chi tiết tin

Xây dựng Đảng - Xây dựng chính quyền

Giám sát ngân sách nhà nước: Khi Mặt trận vào cuộc...

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 13:52 | 17/01 Lượt xem: 9333

Phát huy tốt vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc giám sát ngân sách nhà nước sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm về vai trò giám sát ngân sách nhà nước của Mặt trận các cấp. Ảnh: V.A
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm về vai trò giám sát ngân sách nhà nước của Mặt trận các cấp. Ảnh: V.A

Bám sát cơ sở

Từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đến nay, hoạt động giám sát nói chung và giám sát ngân sách nhà nước nói riêng của Mặt trận các cấp trên địa bàn Quảng Nam đạt nhiều kết quả quan trọng và nổi bật.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Mặt trận các cấp tham gia giám sát ngân sách nhà nước chủ yếu ở việc phân bổ ngân sách của UBND các cấp theo các chương trình, nghị quyết như: Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh quy định mức khoán kinh phí hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) theo quy định; Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2017, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách...

Ở xã Za Hung (Đông Giang), từ năm 2014 đến nay, Ban TTND đã phối hợp giám sát 13 cuộc tại các công trình xây dựng trên địa bàn như: khu tái định cư thôn Xà Nghìr, khu tái định cư thôn Kà Dâu, bể nước sinh hoạt… Qua đó đã phát hiện 3 công trình chưa đảm về chất lượng theo thiết kế ban đầu. Ban TTND đã đề xuất với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, bắt buộc phải bổ sung, khắc phục kịp thời. Các công trình xây dựng đường bê tông với sự hỗ trợ của Nhà nước 60%, dân đóng góp 40% được Ban TTND giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng nên được nhân dân đồng tình, không có khiếu kiện, khiếu nại. 

Trong khi đó, tại xã Điện Nam Bắc, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường triển khai giám sát việc chi trả tiền, quà cho gia đình chính sách, người có công dịp tết đối với Ban LĐ-TB&XH phường và việc phân bổ ngân sách hoạt động theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh. Trong quá trình giám sát việc phân bổ ngân sách hoạt động theo Nghị quyết 22, Mặt trận phường nhận thấy, phường đã phân bổ đủ 144 triệu đồng cho Mặt trận và các đoàn thể nhưng lại chia đều cho 5 tổ chức mà chưa căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc cụ thể trong năm của các tổ chức để phân bổ hợp lý.

Phát huy “tai mắt” nhân dân

Giai đoạn 2014 - 2019, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã thành lập 1.938 đoàn giám sát chuyên đề và 520 cuộc giám sát bằng văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... Ban TTND đã tham gia giám sát 3.345 cuộc, Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 5.794 công trình, dự án; phát hiện, kiến nghị 4.343 vụ việc, thu hồi cho Nhà nước 13.300m2 đất, gần 2,3  tỷ đồng và nhiều giá trị tài sản khác.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, tình trạng thất thu ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, bất động sản, dịch vụ vận tải, mua bán hàng hóa qua mạng… Công tác kiểm soát chi thường xuyên có lúc có nơi thiếu chặt chẽ, chi sai chế độ, định mức vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, việc sử dụng vốn ở một số dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… chưa phù hợp, gây thất thoát, lãng phí. Trong khi việc công khai thông tin ngân sách, các hạng mục, danh mục các dự án đầu tư công để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến và giám sát còn hạn chế, bất cập.

Ông Đức nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực ngân sách không chỉ thuộc trách nhiệm cơ quan hành chính mà còn tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, phải kể đến vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam các cấp.

Tuy nhiên, để hoạt động giám sát của Mặt trận đạt hiệu quả cũng không phải chuyện “cứ nói là làm được”. So với HĐND, hoạt động giám sát của Mặt trận mang tính giám sát xã hội, còn giám sát của HĐND là giám sát quyền lực, có “sức nặng” về tính pháp lý và tầm ảnh hưởng. Đó là một trong những lý do mà hoạt động giám sát của Mặt trận từ 2014 đến nay mới chủ yếu dừng ở việc giám sát việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ cụ thể theo các nghị quyết, quyết định và các văn bản có liên quan của cấp có thẩm quyền.

Điều 16 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định, MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng, nội dung gồm: việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước theo quy định.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cho rằng cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ tập trung giám sát ngân sách cấp xã. Bởi vì phát huy tốt giám sát đầu tư cộng đồng sẽ huy động được người dân tham gia làm “tai mắt” để giám sát chính những công trình mà chính họ thụ hưởng, góp phần phát huy được trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tự quản của nhân dân.

Tác giả: P.Q

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tên Video
* CN 15.3.24
* CM 01.3.24

LIÊN KẾT WEB

select